Theo PGS.TS Nguyễn Bách, Trưởng khoa Nội thận lọc máu, Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), tại Việt Nam, trong 100 người thì có khoảng 6 - 8 người có khả năng mắc các vấn đề về thận, đa phần là không có triệu chứng. Rất nhiều người trẻ mắc thận được phát hiện khi đã ở giai đoạn nặng và phải chạy thận.
Đây là thông tin ông cho biết tại chương trình "Carame - yêu lấy mình - khám sàng lọc bệnh lý tim mạch, bệnh thận mạn, thận chuyển hoá tại cồng đồng” diễn ra tại Bệnh viện Thống Nhất ngày 15/9.
Theo PGS.TS Nguyễn Bách, phần lớn bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối thuộc nhóm 60 - 65 tuổi, do hệ quả của bệnh tiểu đường, cao huyết áp. Xu hướng này tìm thấy ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng có rất nhiều nhóm bệnh nhân suy thận ở độ tuổi trẻ hơn (dưới 60 tuổi). Những người thuộc nhóm này không bị đái tháo đường, cao huyết áp như nhóm trên nhưng có các bệnh lý cầu thận, đây là bệnh lý thường không có triệu chứng.
Như vậy, có thể thấy hiện Việt Nam đang có hai khuynh hướng bất lợi về bệnh thận: Đó là suy thận tăng đều ở người già, nhóm người từ 60 - 65 tuổi và gia tăng bệnh thận ở người trẻ. Điều này gây ra gánh nặng về y tế cũng như kinh tế của Việt Nam.
Ảnh minh hoạ.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.
Theo báo cáo của Bảo hiểm y tế Việt Nam, năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo hiện đang đứng đầu danh sách chi trả, ước tính lên tới hơn 4.000 tỷ. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế, đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Bách, phát hiện bệnh lý thận ở giai đoạn sớm không thể dựa trên dấu hiệu lâm sàng, vì khi có dấu hiệu lâm sàng là bệnh đã tiến triển nặng. "Cách duy nhất phát hiện bệnh thận sớm là xét nghiệm định kỳ 1 lần/năm. Tại các nước đang phát triển có chương trình tầm soát bệnh thận ngay trong cộng đồng. Cụ thể tại Nhật Bản có chương trình tầm soát bệnh thận ở trong trường học và đến nay nước Nhật hầu như không có bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh thận. Còn tại Việt Nam chưa có chương trình này nhưng chi phí xét nghiệm cũng không quá cao, chỉ khoảng 150.000 đồng/người", PGS.TS Nguyễn Bách cho biết.
Tương tự, PGS. TS Võ Thành Toàn, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết: “Bệnh lý thận là một trong những vấn đề y tế đang được quan tâm hàng đầu trên toàn cầu, không chỉ vì tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng mà còn bởi những hậu quả nghiêm trọng mà nó có thể gây ra cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, đa số bệnh lý về thận thường diễn tiến âm thầm, khiến nhiều người không nhận ra mình đang mắc bệnh cho đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng. Do đó, việc tầm soát và phát hiện sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu biến chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh”.
Đan Phương/TTXVN