Bệnh lý tuyến giáp là một nhóm bệnh thường gặp, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Phụ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh lý tuyến giáp cao hơn rất nhiều so với nam giới.
Theo nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ mắc cường giáp nhiều hơn gấp 7 lần, suy giáp gấp 8 lần so với nam giới.
Vì sao phụ nữ dễ mắc bệnh lý tuyến giáp?
Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa, trao đổi chất của cơ thể. Khi tuyến giáp hoạt động bình thường quá trình trao đổi chất trong cơ thể của chúng ta luôn ổn định. Bệnh tuyến giáp có thể là nguyên nhân của việc tiết quá nhiều hoặc quá ít các loại hormone này.
Sự khác biệt trong cấu tạo cơ thể và mặt giải phẫu cũng như thay đổi sinh lý của nữ giới là nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan đến tuyến giáp. Cơ thể của nữ giới phải trải qua nhiều thay đổi về nội tiết tố hơn nam giới. Do đó, tỷ lệ mắc bệnh của nữ thường cao hơn so với nam giới.
Ghi nhận cho thấy phụ nữ nằm trong số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp rất cao là do sự thay đổi thất thường về nội tiết tố trong các giai đoạn phát triển như: dậy thì, kỳ kinh nguyệt, mang thai, hậu sản và thời kỳ mãn kinh.
Trong giai đoạn dậy thì và chu kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi nội tiết tố sinh dục có mối liên hệ mật thiết với hormone tuyến giáp.
Ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, các yếu tố như tuổi tác, giảm nội tiết sinh dục nữ và chế độ ăn không hợp lý có thể gây bệnh tuyến giáp.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác gồm sử dụng thuốc tránh thai, thuốc an thần, kháng sinh và hormone điều tiết… cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ.
Phụ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh lý tuyến giáp cao hơn rất nhiều so với nam giới.
Ảnh hưởng của bệnh tuyến giáp đối với phụ nữ
Tuyến giáp là bộ phận tạo ra nhiều hormone có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển và tăng trưởng của cơ thể: Triiodo-thyronine và Thyroxine. Bệnh lý tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ gồm có giai đoạn trước và sau khi thụ thai.
Khi có sự thay đổi về hormone tuyến giáp, chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến các vấn đề như chu kỳ không đều, rối loạn nặng nhẹ, hoặc bất thường. Những thay đổi này có thể làm khó khăn cho việc thụ tinh.
Phụ nữ mang thai mắc bệnh tuyến giáp có thể đối mặt với nhiều rủi ro đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi. Trong 10-12 tuần đầu của thai kỳ, tuyến giáp của thai nhi sẽ bắt đầu sản xuất hormone tuyến giáp riêng, nhưng trong giai đoạn này, thai nhi vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của mẹ. Nếu tuyến giáp của mẹ có sự cường giáp hoặc suy giáp không được kiểm soát, có thể gây ra các vấn đề như tiền sản giật, sinh non, nhiễm độc tuyến giáp cấp, suy tim, và các vấn đề khác. Thai nhi cũng có nguy cơ chậm phát triển, bị cường giáp từ trong tử cung mẹ, mắc các vấn đề tim bẩm sinh, sinh non, thai lưu hoặc dị tật bẩm sinh.
Tóm lại, bệnh tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến sự rụng trứng, gây rối loạn chu kỳ kinh nguyệt và làm khó khăn trong việc thụ tinh. Đối với phụ nữ mang thai, bệnh tuyến giáp có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho mẹ và thai nhi, bao gồm tiền sản giật, suy giáp, và các vấn đề phát triển thai nhi.
Lời khuyên thầy thuốc
Để giảm nguy cơ mắc bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ cần chú ý như sau:
• Tránh tiếp xúc với tia phóng xạ, bức xạ và các hóa chất độc hại. Nếu bạn làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại cần tuân thủ quy trình bảo hộ để bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cũng như các bệnh khác.
• Cần áp dụng chế độ ăn lành mạnh bao gồm việc ưu tiên bổ sung rau xanh và củ quả trong chế độ ăn hàng ngày. Nên ăn các loại thực phẩm giầu iod như tảo, rong biển, hải sản và tránh ăn quá nhiều thực phẩm có chứa nhiều chất béo và đồ ăn chế biến sẵn.
• Ngoài ra, hạn chế sử dụng rượu bia và các chất kích thích cũng là một cách để phòng ngừa ung thư tuyến giáp và các bệnh khác.
• Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch. Khi cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp chống lại mọi bệnh tật cũng như các bệnh lý tuyến giáp. Thực hiện lối sống khoa học, ngủ sớm, đúng giờ, không thức khuya.
• Nếu có bất thường như giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, nổi hạch cổ và các triệu chứng khác, không nên chủ quan mà nên đi khám sớm. Tự kiểm tra vùng cổ bằng cách đứng trước gương và ngửa cổ ra sau để phát hiện có những biểu hiện không bình thường nào.
• Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong cơ thể, ngay cả khi chưa có triệu chứng bệnh.
Theo Sức khoẻ & Đời sống