Theo Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây truyền rất mạnh đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ. Tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng bệnh. Việc tiêm vắc xin sởi đúng lịch, đầy đủ là vô cùng quan trọng để tạo được miễn dịch sớm bảo vệ trẻ không bị mắc bệnh. Nếu tiêm vắc xin muộn trẻ sẽ có nguy cơ rất cao bị mắc bệnh sởi trước khi được tiêm chủng. Sau đây là giải đáp một số thắc mắc về tiêm vắc xin sởi cho trẻ em và người lớn.
* Tiêm vắc xin phòng sởi – làm sao biết con bạn đã tiêm đủ vắc xin phòng sởi chưa?
Trẻ từ 9 – đến 18 tháng tuổi Trẻ cần được tiêm đủ vắc xin phòng sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng:
Mũi 1: Khi trẻ được 9 tháng tuổi (vắc xin sởi đơn)
Mũi 2: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi (vắc xin sởi-rubella)
* Làm sao biết con bạn đã tiêm đầy đủ vắc xin sởi?
• Rà soát phiếu tiêm chủng và sổ tiêm chủng của con để biết con mình đã được tiêm chủng đầy đủ chưa.
• Nếu cha mẹ không còn giữ phiếu, sổ tiêm chủng thì có thể liên hệ với trạm y tế xã phường nơi bạn sống để nhờ tra cứu thông tin trên Hệ thống Quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia của Bộ Y tế
• Nếu trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, cha mẹ cần chủ động đưa con em đến trạm y tế xã, phường để tiêm đủ 2 mũi vắc xin càng sớm càng tốt.
Tiêm vắc xin phòng bệnh tại CDC Đồng Nai.
* Con bạn tiêm vắc xin sởi-rubella (MR) hoặc sởi-quai bị - rubella (MMR) tại cơ sở tiêm dịch vụ - bạn cần làm gì?
Bạn có thể chọn lựa tiêm vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ( miễn phí) hoặc tiêm chủng dịch vụ (trả phí). Dù tiêm chủng ở đâu, bất kể con bạn được tiêm với loại vắc xin nào, con bạn cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng sởi trước 2 tuổi với khoảng cách ít nhất 1 tháng.
* Người lớn chưa tiêm vắc xin phòng sởi, sởi-rubella (MR), sởi-qua bị-rubella (MMR), có cần tiêm vắc xin không?
Người lớn cũng cần tiêm vắc xin phòng sởi. Bệnh sởi có thể xẩy ra tất cả lứa tuổi nếu chưa được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, người lớn không thuộc đối tượng được tiêm miễn phí, cần được tiêm ít nhất 1 mũi càng sớm càng tốt tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, đặc biệt đối tượng sống trong địa phương đang có ca bệnh sởi.
Tiêm vắc xin sởi không chỉ phòng bệnh cho bạn mà cả những người xung quanh, đặc biệt nếu bạn có con nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng (dưới 9 tháng) hoặc vì điều kiện sức khỏe cho thể tiêm vắc xin này bởi đây chính là những người dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh sởi.
* Con bạn từ 9 tháng tuổi trở lên chưa tiêm phòng vắc xin sởi?
Cần đưa con đi tiêm vắc xin sởi ngay, càng sớm càng tốt tại trạm y tế xã, phường. KHÔNG chờ sau 12 tháng tuổi để tiêm vắc xin phối hợp sởi-rubella hoặc sởi - quai bi – rubella bởi trẻ từ 9-11 tháng tuổi là độ tuổi trẻ không được bảo vệ do kháng thể của mẹ truyền cho đã hết và nguy cơ mắc sởi và diễn biến nặng ở mức cao.
* Con bạn từ 12 tháng tuổi trở lên đang sống tại các địa phương có ca sởi lưu hành, đã tiêm 1 hoặc hai mũi vắc xin sởi, sởi-rubella, hoặc sởi quai bị - rubella, có cần tiêm bổ sung vắc xin sởi?
CẦN CHO CON TIÊM 1 LIỀU BỔ SUNG (bất kể liều trước đó vắc xin gì) nếu con bạn thuộc đối tượng tiêm bổ sung, tiêm bù, theo chương trình tiêm quốc gia/địa phương, với khoảng cách tối thiểu giữa hai liều là 1 tháng.
Bạn không nhớ chính xác và không có phiếu, sổ tiêm chủng để biết con bạn đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi chưa, bạn cần làm gi?
Bạn cần cho con đi tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi cách nhau ít nhất 1 tháng. Đây là việc cần làm càng sớm càng tốt Vắc xin sởi rất an toàn và hiệu quả. Trong các năm qua hàng chục triệu trẻ em đã được tiêm chủng an toàn các mũi vắc xin bổ sung ngoài 2 mũi cơ bản trong các chiến dịch.
* Con tôi đã được tiêm 2 mũi vắc xin sởi, mũi thứ nhất trước 1 tuổi trong chương trình TCMR và mũi 2 trong chiến dịch gần đây. Khi cháu 18 tháng tuổi có cần đến trạm y tế để tiêm mũi tiếp theo?
Nếu cháu đã tiêm 2 mũi vắc xin sởi như trên thì không cần tiêm mũi tiếp theo khi 18 tháng tuổi.
PV
Nguồn: Bộ Y tế