Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm.

Phân loại các bệnh truyền nhiễm hiện nay

Mỗi bệnh truyền nhiễm có đặc điểm về tác nhân gây bệnh, mức độ lây truyền, tỷ lệ gây tử vong khác nhau. 

Theo Điều 3 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007 (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 219/QĐ-BYT năm 2020) quy định về bệnh truyền nhiễm gồm 3 nhóm:

Nhóm A: gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh; bệnh COVID-19.

Nhóm B: gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota); bệnh do vi rút Zika; bệnh đậu mùa khỉ.

Nhóm C: gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus); bệnh do vi rút Zika và các bệnh truyền nhiễm khác.

Ngày 19/6/2023 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 231/TB-VPCP. Theo đó Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Cán bộ y tế CDC Đồng Nai giám sát lăng quăng tại cộng đồng.

Các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm

Tại Đồng Nai, tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm hiện cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Bệnh COVID-19, từ tháng 6 đến nay số ca mắc có xu hướng giảm (ghi nhận 2-3 ca/tuần);  bệnh sốt xuất huyết từ tuần 13-14 đến nay ghi nhận số ca mắc và số ổ dịch thấp hơn cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên vẫn ở mức cao ( ghi nhận 143 ca trong tuần 29); bệnh tay chân miệng vẫn tiếp tục ghi nhận số ca mắc cao so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt tuần 28 vừa qua tăng đột biến (595 ca). 

Hiện nay, thời tiết tại Đồng Nai đang vào đỉnh điểm mùa mưa, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi thất thường, cùng với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao trong dịp hè tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do đó, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau để phòng các bệnh truyền nhiễm, tránh dịch chồng dịch:

Tiêm vắc xin

Tiêm vắc xin đối với các bệnh đã có vắc xin phòng bệnh như sởi, cúm, viêm gan B,… Đây là biện pháp tạo miễn dịch chủ động cho cơ thể, đặc biệt là người có khả năng bị lây nhiễm khi thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh. Tỷ lệ người tiêm phòng càng cao, số người có miễn dịch trong cộng đồng càng lớn, từ đó bệnh càng khó lây truyền và ít có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Tuy nhiên, mặt hạn chế đó là không phải bệnh truyền nhiễm nào cũng có vắc xin.

Giữ vệ sinh cá nhân

Rửa tay, tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả, đặc biệt các bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc qua da. 

Cục Quản lý môi trường Y tế - Bộ Y tế khuyến nghị 10 thời điểm quan trọng cần rửa tay với xà phòng gồm: sau khi ho/hắt hơi; trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thực phẩm; sau khi đi làm về/từ bên ngoài trở về nhà; sau khi tiếp xúc/chăm sóc người bệnh; sau khi đi vệ sinh; sau khi vệ sinh cho trẻ nhỏ; sau khi mua sắm/cầm tiền; sau khi tiếp xúc vật nuôi; trước khi đi vào lớp học; bất cứ khi nào tay bẩn.

Vệ sinh an toàn thực phẩm

Thực hiện ăn chín, uống sôi; lựa chọn thực phẩm tươi sống, có xuất xứ rõ ràng, không mua bán, sử dụng thực phẩm không biết rõ nguồn gốc, thực phẩm trôi nổi; bảo quản riêng biệt thức ăn chín và sống; sử dụng nước sạch khi chế biến thực phẩm; che đậy thức ăn cẩn thận, tránh côn trùng bám vào. Các biện pháp này sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tiêu hóa như: bệnh tả, bệnh lỵ,…

Vệ sinh môi trường

Giữ vệ sinh môi trường giúp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, từ đó phòng được bệnh sốt xuất huyết và một số bệnh truyền nhiễm khác. Người dân cần thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng; phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Thường xuyên khơi thông cống rãnh, loại bỏ vũng nước đọng tự nhiên để loại bỏ nơi sinh sinh của muỗi.

Ngoài các biện pháp trên, người dân nên thực hành lối sống lành mạnh, không quan hệ tình dục bừa bãi, giúp phòng các bệnh lây qua đường tình dục (như giang mai, lậu, HIV,...). Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, rèn luyện thể lực thường xuyên để nâng cao sức đề kháng, giúp đẩy lùi bệnh tật.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS.Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai

Share with friends

Bài liên quan

Khuyến cáo 6 biện pháp phòng, chống cúm A(H5N1)
[Video] Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2024
[Video] Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về bệnh dại
Phòng chống dịch bệnh đầu năm học mới
Các biện pháp phòng bệnh Whitmore
Nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại
[Infographic] Bệnh sởi và các biện pháp phòng bệnh
Cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong và di chứng cao
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh ho gà
Lo ngại bùng phát dịch sởi
[Infographic] Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?
Giải đáp các thắc mắc về tiêm phòng sởi
[Video] Bệnh sởi và những điều cha mẹ nên biết để bảo vệ sức khỏe cho con
Lo ngại các bệnh truyền nhiễm quay trở lại do thiếu vắc xin
Dấu hiệu phát hiện sớm và cách phòng bệnh tay chân miệng
[Video] Cảnh báo bệnh sởi gia tăng và cách phòng tránh
Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em
[Infographic] Hướng dẫn phòng, chống bệnh bạch hầu
[Infographic] Tiêm vắc xin phòng, chống bệnh bạch hầu
Thành phố Long Khánh đẩy mạnh nhiều biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết

THÔNG BÁO

TUYEN TRUYEN PHAP LUAT
Thủ tục hành chính

TƯ VẤN

Tư vấn tiêm các loại vắc xin:
  02513.899.580 hoặc 02513.846.680
 Tư vấn khám sức khỏe:
  02513.834.493-141
• Tư vấn Quan trắc môi trường - Lấy mẫu nước: 
  02513.835.672-131
• Tư vấn sức khỏe sinh sản:
  02513.942.461
• Tư vấn xét nghiệm nước
- thực phẩm:
  02518.871.681
• Tư vấn dinh dưỡng:
 02513.840.429
• Tư vấn HIV/AIDS:
  02518.872.322

LIÊN KẾT

Bộ Y tế
Cục Y Tế Dự Phòng
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
CONG THONG TIN TINH DONG NAI
Sở Y Tế Đồng Nai
Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Bao Dong Nai
Dự án phòng chống Tăng huyết áp
BAO TIN TUC TTXVN