Chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng góp phần rất quan trọng trong an toàn tiêm chủng. Khi trẻ có những phản ứng bất thường sau tiêm như sốt cao, quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, mệt mỏi, bú kém, thở nhanh, chi lạnh... cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ sau tiêm
Tiêm chủng là sử dụng hình thức như: tiêm, uống... để đưa vắc xin vào cơ thể con người với mục đích tạo cho cơ thể đáp ứng miễn dịch phòng bệnh. Khi đưa vắc xin vào cơ thể có thể xuất hiện những phản ứng không mong muốn xảy ra gọi là phản ứng sau tiêm chủng. Hầu hết đều ở mức độ nhẹ (sốt nhẹ, sưng, đau chỗ tiêm), một số ít ở mức độ vừa, rất hiếm có phản ứng ở mức độ nặng (hội chứng sốc nhiễm độc, phản ứng phản vệ).
Sốc phản vệ xảy ra khi cơ thể có cơ địa dị ứng, tức là có thể xảy ra với người này nhưng có thể lại không xảy ra đối với người khác. Tuy hiếm có phản ứng phản vệ sau tiêm chủng, nhưng đã có một số trường hợp trẻ bị sốc phản vệ sau tiêm chủng, nhờ đưa trẻ đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng và cũng đã có trường hợp đáng tiếc xảy ra khi trẻ không được đưa đến cơ sở y tế kịp thời khi có phản ứng nặng.

Tiêm vắc xin tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai.
Theo đúng quy trình, sau khi tiêm chủng cần theo dõi trẻ tại điểm tiêm chủng trong vòng 30 phút và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất trong vòng 24 giờ.
Tuy nhiên, vẫn có một số phụ huynh chủ quan cho rằng lần trước tiêm trẻ không có phản ứng phụ gì nên lần tiêm sau không theo dõi sát hoặc sau khi theo dõi tại điểm tiêm chủng xong, không tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà mà đưa trẻ đến gửi nhà trẻ ngay và không báo cho người trông trẻ biết trẻ mới tiêm chủng xong cần theo dõi chặt chẽ sau tiêm. Điều này là vô cùng nguy hiểm, bởi vì số lượng trẻ trong một lớp học đông, người trông trẻ sẽ khó theo dõi sát sao riêng từng trẻ được, nếu trường hợp trẻ có phản ứng bất thường sau tiêm chủng thì người trông trẻ có thể sẽ không phát hiện sớm và đưa ngay trẻ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế.
Để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra trong tiêm chủng, các bậc phụ huynh cần lưu ý:
1. Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng để theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.
2. Theo dõi trẻ tại nhà trong vòng ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ (tinh thần, tình trạng ăn ngủ, dấu hiệu nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các dấu hiệu tại chỗ tiêm), không vội đưa trẻ đi gửi nhà trẻ, không chủ quan, rằng lần trước tiêm chủng trẻ không có phản ứng phụ gì nên lần sau không cần theo dõi.
3. Trường hợp thực sự bận và cần gửi trẻ thì phải báo cho người trông trẻ là trẻ vừa tiêm vắc xin xong, nhờ họ theo dõi sát trẻ, nếu có triệu chứng bất thường đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng đúng cách
Hầu hết những phản ứng sau tiêm thường nhẹ và tự khỏi trong thời gian ngắn như sốt nhẹ < 38,50C, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc,… Khi trẻ có những dấu hiệu trên, có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách: mặc thoáng cho trẻ, duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, khi bế trẻ tránh chạm vào vết tiêm. Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ, không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm. Trường hợp trẻ sốt >= 38,50C, sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có một trong những dấu hiệu như: Sốt cao > 390C; quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt mỏi, li bì và hôn mê; co giật; nôn, bú kém, bỏ bú; phát ban; thở nhanh, khó thở, tím môi và chi; chi lạnh, da nổi vân tím; hoặc có các dấu hiệu bất thường khác khiến cha mẹ trẻ lo lắng.
Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất, để đảm bảo sức khỏe của con mình các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Bên cạnh đó, vì sự an toàn của trẻ các bậc phụ huynh cần tuân thủ theo dõi trẻ sau tiêm chủng theo khuyến cáo của ngành y tế.
BS.Hồ Thị Hồng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai