Herpes simplex Herpes (vi rút herpeses loại 1 và 2) thường gây nhiễm trùng tái phát ảnh hưởng đến da, miệng, môi, mắt và bộ phận sinh dục. Các bệnh nhiễm trùng nặng thường gặp bao gồm viêm não, viêm màng não, mụn rộp ở trẻ sơ sinh và nhiễm trùng lan tỏa ở những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch. Nhiễm trùng ngoài da gây ra từng cụm bọng nước nhỏ và đau trên nền các ban đỏ.
Mỗi năm, chị H.T.L (40 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) đều cảm thấy “phiền phức” khi môi của chị bị vi rút Herpes tái đi tái lại, có những năm chị bị đến 2-3 lần. Khi bị vi rút Herpes, chị không những cảm thấy đau, ngứa, khó chịu mà còn mất thẩm mỹ. Mỗi đợt điều trị của chị có thể từ 5-8 ngày mới chấm dứt.
Theo chia sẻ của BS Lê Bùi Yến Nhi, Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Da liễu Đồng Nai: Herpes là tên gọi của một họ vi rút trong y học, cụ thể là họ Herpesviridae. Trong họ này, có nhiều loại vi rút có khả năng gây bệnh ở người, nổi bật nhất là: Herpes Simplex Virus type 1 (HSV-1): Thường gây nhiễm trùng vùng miệng, mặt; Herpes Simplex Virus type 2 (HSV-2): Chủ yếu gây nhiễm trùng ở vùng sinh dục. Ngoài ra còn có các vi rút khác trong họ này gồm: Varicella Zoster Virus (VZV): Gây bệnh thủy đậu và zona và Cytomegalovirus (CMV), Epstein-Barr Virus (EBV): Gây các bệnh khác như viêm gan, sốt tuyến. Herpes không phải là tên của một bệnh, mà là tên của vi rút gây bệnh.

Người bị nhiễm HSV.
Khi bị HSV -1, sẽ có những triệu chứng lâm sàng khác nhau. Nhiễm trùng có thể nguyên phát hoặc tái hoạt, nhiễm trùng nguyên phát xảy ra ở những người không có kháng thể chống lại HSV. Trái lại trong nhiễm trùng tái hoạt tổn thương xảy ra ở những bệnh nhân đã có kháng thể chống lại vi rút này.
Nhiễm trùng nguyên phát khi nhiễm Herpes diễn ra trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần sau khi bệnh nhân tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Các triệu chứng ở giai đoạn này tương tự với dấu hiệu của bệnh cúm, bao gồm: Sưng hạch bạch huyết; Đau đầu, đau nhức toàn thân; Mệt mỏi; Sốt; Chán ăn. Khi nhiễm Herpes bệnh nhân nhận thấy ở một số vùng da trên cơ thể ngứa ran, nóng rát và xuất hiện các mụn nước nhỏ. Các mụn nước có thể mọc thành cụm hoặc lan ra thành mảng. Những mụn nước này sẽ vỡ ra và đóng vảy sau một thời gian. “Bệnh nhân có thể mất khoảng 6 tuần để chữa lành hoàn toàn các mụn nước xuất hiện trong giai đoạn nguyên phát. Trước khi lành hẳn, các mụn nước này vẫn có khả năng lây truyền vi rút sang cho người khác. Khi nhiễm Herpes không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Bất kỳ triệu chứng nào nhận thấy được và mức độ nghiêm trọng của chúng thường phụ thuộc vào việc bệnh nhân đang trong giai đoạn nguyên phát hay tái phát”, - BS Nhi chia sẻ thêm.
Đối với HSV-1 thường gây các nhiễm trùng ở miệng và mũi hầu như viêm miệng, viêm lợi, eczema, viêm kết mạc mắt sừng hóa, viêm não; Ngứa, nóng rát quanh môi; Xuất hiện mụn nước nhỏ, đau, vỡ ra tạo vết loét.
HSV-2 gây các tổn thương ở đường sinh dục nam cũng như nữ, gây nhiễm trùng Herpes ở trẻ sơ sinh khi đứa bé sinh qua đường sinh dục bà mẹ đang bị nhiễm trùng Herpes đường sinh dục. Triệu chứng thường thấy là: Đau, ngứa, nổi mụn nước vùng sinh dục hoặc hậu môn; Cảm giác bỏng rát khi tiểu tiện; Sưng hạch bẹn, sốt trong đợt cấp.
Nhiều người mang vi rút nhưng không có triệu chứng rõ rệt, nhưng vẫn có khả năng lây truyền vi rút cho người khác.
Để xác định được bệnh, qua thăm khám, các bác sĩ sẽ dựa vào hình ảnh tổn thương trên lâm sàng, hoặc triệu chứng như ngứa ran, nóng rát hoặc các triệu chứng như cảm cúm để chẩn đoán Herpes. Ngoài ra một vài xét nghiệm có thể được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán: PCR: Phát hiện DNA của HSV và nuôi cấy vi rút, xét nghiệm máu: Tìm kháng thể HSV IgG, IgM.
Hiện nay chưa có cách điều trị triệt để Herpes. Tuy nhiên bệnh nhân dùng đơn theo chỉ định của bác sĩ để cải thiện các triệu chứng như: Dùng thuốc kháng vi rút Acyclovir, Valacyclovir, Famciclovir kèm theo điều trị triệu chứng: Giảm đau, chống viêm. Với người bị tái phát nhiều có thể dùng thuốc kháng vi rút dự phòng hằng ngày.
HSV có thể lây truyền thông qua hình thức tiếp xúc trực tiếp với mụn rộp, vết thương hở tại vị trí mụn nước bị vỡ, nước bọt cũng như các chất tiết khác trong cơ thể người bệnh: Quan hệ tình dục không an toàn; Quan hệ tình dục đường miệng; Hôn nhau; Sử dụng chung đồ cá nhân; Từ mẹ sang con khi sinh thường nếu mẹ bị nhiễm HSV sinh dục; Tiếp xúc gần vùng da bị tổn thương do vi rút.
“Để phòng ngừa nhiễm HSV, khi quan hệ tình dục nên dùng bao cao su, tránh quan hệ khi có tổn thương. Không dùng chung đồ cá nhân như khăn mặt, son môi, dao cạo. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp khi người khác có dấu hiệu bệnh. Nâng cao miễn dịch bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý. Khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu có nguy cơ cao hoặc đang mang thai”, - BS Nhi khuyến cáo.
Mai Chi (ghi)