Vi chất dinh dưỡng (VCDD) là nhóm chất quan trọng trong sự tăng trưởng, nâng cao tầm vóc, trí tuệ, sức khỏe, sức đề kháng của cơ thể và chất lượng cuộc sống của con người. VCDD rất cần thiết ở mọi lứa tuổi, nhất là với trẻ em. Với trẻ em dưới 5 tuổi, nếu thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của trẻ. Do đó, việc bổ sung VCDD đúng cách và hợp lý rất quan trọng đối với trẻ.
Vai trò của VCDD đối với trẻ
BS.CKI Trần Thị Ngần, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho biết, VCDD có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, vì VCDD tham vào xây dựng các tế bào, các mô của cơ thể.
Tham gia vào các hoạt động như: chuyển hóa bài tiết của các tế bào, hình thành nên hệ thống miễn dịch của cơ thể, tham gia hầu hết các hoạt động cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, VCDD là thành phần cấu tạo các hóc môn, các dịch tiêu hóa. Do đó VCDD rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, nếu thiếu VCDD ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ. Hiện tại có khoảng 90 VCDD khác nhau cần thiết đối với cơ thể và được chia thành các nhóm như: Vitamin tan trong nước, Vitamim BC, Vitamin tan trong dầu, các loại chất khoáng…. Tùy vào loại VCDD nếu cơ thể thiếu sẽ gây ra nhiều hậu quả khác nhau, chẳng hạn thiếu Vitamin A gây tình trạng sức đề kháng ở trẻ giảm chậm phát triển về thể chất, đặc biệt gây nên các bệnh lý về mắt từ nhẹ đến nặng như khô mắt, quáng gà, nặng loét giác mạc và mù vĩnh viễn. Nếu thiếu sắt dẫn đến thiếu máu, sức đề khám giảm, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ. Thiếu kẽm trẻ biếng ăn, dễ mắc các bệnh về hô hấp tiêu hóa.
Cho trẻ uống Vitamin A là một trong những cách phòng ngừa thiếu VCDD ở trẻ.
Cách nhận biết khi trẻ thiếu VCDD
VCDD là lượng cơ thể chỉ cần rất nhỏ và hầu hết VCDD khi bị thiếu ở mức độ nhẹ thì sẽ không biểu hiện về lâm sàng, còn khi trẻ có biểu hiện về lâm sàng thì đã ở mức trung bình hoặc nặng. Chẳng hạn trẻ thiếu sắt nhẹ trẻ vẫn hoạt động vui chơi bình thường, khi xét nghiệm máu các chỉ số như: hồng cầu, huyết sắc tố của trẻ giảm. Còn biểu hiện lâm sàng như: da xanh, mệt mỏi, giảm hoạt động thể chất nếu xét nghiệm máu đã thiếu VCDD ở mức độ trung bình và nặng. Còn thiếu Vitamin A hầu hết các trẻ thiếu ở mức độ tiền lâm sàng, xét nghiệm ra nồng độ Vitamin A trong huyết thanh của trẻ thấp, còn lại không có biểu hiện lâm sàng.
Nếu có biểu hiện khô mắt, quáng gà nhìn mờ, xét nghiệm sẽ thiếu mức độ trung bình đến nặng. Ngoài ra, khi các trẻ chậm tăng cân, mắc các bệnh nhiễm trùng thì chúng ta cũng nghĩ ngay thiếu VCDD.
“Nguyên nhân dẫn đến thiếu VCDD ở trẻ do chế độ ăn hàng ngày của trẻ không đầy đủ; trẻ bị bệnh lý, nhiễm trùng nhiễm khuẩn hay nhiễm ký sinh trùng do thiếu sắt, Vitamin A; trẻ suy dinh dưỡng; trẻ ở trong giai đoạn phát triển nhanh từ 6-36 tháng tuổi, hay trẻ ở độ tuổi dậy thì cần lượng dinh dưỡng nhiều hơn giai đoạn đoạn khác” – BS Ngần nói.
Cần bổ sung VCDD cho trẻ đúng cách
Theo BS Ngần, thiếu hay thừa VCDD cũng ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Do đó nếu bổ sung VCDD không đúng cách không tốt cho trẻ và hiện nay chúng ta hay bắt gặp các phụ huynh tự ý mua các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng bổ sung con mình. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không biết ở mỗi giai đoạn thì cần hàm lượng, nhu cầu khác nhau, nếu phụ huynh cho trẻ dùng không đúng và thời gian kéo dài sẽ dẫn đến thừa VCDD. Đặc biệt, ở nhóm Vitamin tan trong dầu, vì khi hấp thu vào cơ thể sẽ được giữ trữ ở gan và các mô mỡ, nếu dùng trong thời gian kéo dài dẫn đến mệt mỏi, chậm tăng cân, chán ăn.
Theo đó, những trẻ cần bổ sung VCDD là những trẻ bị suy dinh dưỡng, có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ như ở khu vực nông thôn. Trẻ mắc các bệnh như: sởi nên bổ sung Vitim A liều cao, thiếu máu bổ sung sắt, tiêu chảy bổ sung kẽm; trẻ trong giai đoạn phát triển nhanh cần bổ sung VCDD.
“VCDD thiếu có thể phòng ngừa được bằng chế độ ăn uống đa dạng, hợp lý. Ví dụ các loại rau củ quả có màu đỏ, cam có hàm lượng Vitamin A cao; rau củ có màu xanh đậm rất giàu sắt, Vitamin A; các loại thịt đỏ, trứng cung cấp sắt, Viatmin A cao; hải sản giàu kẽm… do đó, phụ huynh nên lựa chọn phù hợp theo nhu cầu đối với sự phát triển của trẻ” - BS Ngần khuyến cáo.
Sao Mai