Theo BS.CKI Trần Thị Ngần, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai thừa cân, béo phì sẽ làm tăng nguy cơ nhiều bệnh lý, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Do đó, việc kiểm soát và có chế độ ăn uống khoa học cũng như thay đổi lối sống là vô cùng quan trọng đối với người bệnh.
Biểu hiện của thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tiêu thụ các thực phẩm quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, lười vận động, hoặc các nguyên nhân di truyền, nội tiết.
BS Ngần cho biết, biểu hiện dễ nhận biết nhất của thừa cân, béo phì là hình dáng bên ngoài: trẻ mập mạp hơn bình thường, tay chân nhiều mỡ, đối với trẻ vị thành niên và người trưởng thành thì có thể có thêm dấu hiệu như vòng bụng hay vòng eo to, vòng đùi, vòng tay to. Hình dáng cơ thể có thể thay đổi như hình quả lê (béo phần thân dưới), quả táo (béo phần thân giữa).

Người thừa cân, béo phì có nguy cơ làm tăng một số bệnh lý.
Ngoài ra còn có thêm các triệu chứng khó ngủ, khó thở, đau lưng, đau khớp gối, xuất hiện các vết rạn da, hoặc da bị sưng đỏ, sẫm màu ở một số nơi, các nếp gấp da có thể bị nhiễm khuẩn, thích ứng với thay đổi nhiệt độ kém hơn, sưng và giãn tĩnh mạch ở các chi dưới, thường bị chảy mồ hôi quá mức, tâm lý bị ảnh hưởng do hình thể thay đổi…
Các tác hại của thừa cân, béo phì
Theo BS Ngần, thừa cân và béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe và có thể liên quan đến một số vấn đề về cảm xúc, cũng như các mối quan hệ xã hội như:
Gây cảm giác tự ti: Thừa cân và béo phì có mối liên quan mật thiết đến các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Vì có thể bị người khác kỳ thị, hắt hủi, dẫn đến xấu hổ hoặc làm các vấn đề sức khỏe tâm thần thêm trầm trọng.
Bệnh lý xương khớp: Cứ 3 người béo phì thì có hơn 1 người viêm khớp. Điều này đặc biệt nguy hiểm vì người bị đau khớp ít có khả năng tập thể dục. Mỗi trọng lượng tăng thêm có thể gây thêm áp lực gấp 3-4 lần lên đầu gối. Chúng gây đau đớn cho người bệnh và làm việc di chuyển của họ trở nên khó khăn hơn.
Bệnh tiểu đường: Trước đây bệnh tiểu đường phổ biến sau 40 tuổi. Thế nhưng khi đại dịch béo phì diễn ra, giờ đây bệnh tiểu đường tuýp 2 lại xuất hiện ở những người trẻ nhiều hơn. Khoảng 90% những người được chẩn đoán bị tiểu đường loại 2 thuộc nhóm cân nặng thừa cân hoặc béo phì. Ở Mỹ, các biến chứng của bệnh tiểu đường làm cho khoảng 200.000 người tử vong mỗi năm.
Bệnh lý tim mạch: Chất béo dư thừa gây áp lực lên tim và có thể dẫn đến các vấn đề đe dọa tính mạng như tắc nghẽn động mạch vành. Liên đoàn Tim mạch Thế giới cho biết bệnh dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim – vốn là bệnh nghiêm trọng giết chết hơn 600.000 người mỗi năm ở Mỹ.

Phân bố hình quả táo, quả lê của người thừa cân, béo phì.
Suy giảm trí nhớ: Thừa cân hoặc béo phì là một trong những yếu tố có nguy cơ dẫn đến bệnh Alzheimer và chứng sa sút trí tuệ. Những người bệnh có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn 42% so với những người có cân nặng bình thường.
Ung thư: Béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư, bao gồm ung thư vú, nội mạc tử cung, đại trực tràng, thận, thực quản, tuyến tụy, tuyến giáp và túi mật. Có khoảng 85.000 ca ung thư mới mỗi năm do béo phì gây ra. Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng đồng nghĩa với các trường hợp mắc bệnh ung thư cũng đang gia tăng đáng kể.
Ngoài ra, thừa cân béo phì còn làm tăng bệnh lý tiêu hóa, rối loạn nội tiết, bệnh lý hô hấp…
Thay đổi chế độ ăn uống hạn chế tình trạng béo phì
Theo BS Ngần, béo phì không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý khác, do đó để hạn chế tình trạng béo phì, người dân cần thay đổi chế độ ăn uống.
Ngoại trừ các yếu tố rối loạn nội tiết hay gen gây béo phì thì hầu như việc điều chỉnh chế độ ăn hợp lý là điều đầu tiên người thừa cân, béo phì cần thay đổi. Tùy mỗi người, phụ thuộc vào giới tính, điều kiện kinh tế, xã hội, bệnh tật và tình trạng béo phì mà có chế độ ăn riêng nhưng nhìn chung nguyên tắc ăn của người béo phì là giảm năng lượng ăn vào. Chẳng hạn giảm số lượng thực phẩm ăn vào: thay vì mỗi bữa ăn 2 bát cơm đầy, có thể giảm dần xuống 2 miệng bát, 2 lưng bát mỗi bữa. Thay vì ăn 5 miếng thịt mỗi bát cơm, giảm xuống ít hơn. Hạn chế ăn các thức ăn nhanh hay chế biến sẵn (nhiều dầu mỡ, đường) hay nước ngọt đóng chai (nhiều đường)… Ngoài ra, cân đối dinh dưỡng hợp lý để vừa đảm bảo sức khỏe và hạn chế béo phì.
Điều chỉnh việc tập luyện và tham gia các hoạt động thể lực là một trong những biện pháp để tăng năng lượng tiêu hao trong ngày. Hiện nay, mức khuyến nghị chung đối với trẻ em là tổng thời gian thực hiện các loại hoạt động thể lực trong ngày nên đạt ít nhất 60 phút, đối với người trưởng thành con số này là 30 phút. Ngồi chơi games, sử dụng máy vi tính, xem tivi, điện thoại không nên quá 120 phút/ngày. Hạn chế ngồi, nằm lâu, đi lại bằng ô tô, thang máy, tích cực làm việc nhà (lau dọn nhà, leo cầu thang, chơi đùa với thú cưng, trồng cây…). Ở người thừa cân, béo phì, thời gian thực hiện các hoạt động thể lực không những đạt được ở mức khuyến cáo mà còn cần cố gắng giành thời gian hoạt động thể lực nhiều hơn và thực hiện các hoạt động thể lực ở mức gắng sức vừa và nặng nhiều hơn.
Những người thừa cân, béo phì thường có các rối loạn tâm lý như tự ti về hình thể, cảm thấy không tự tin trong giao tiếp xã hội, hoặc không có niềm tin vào việc thành công trong điều chỉnh cân nặng của bản thân. Do đó, cần hỗ trợ điều chỉnh tâm lý từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cán bộ y tế là cần thiết. Người thừa cân, béo phì có thể tìm kiếm thêm người hoặc nhóm người thực hiện việc thay đổi ăn uống hay tham gia tập luyện cùng. Khi thực hiện các thay đổi theo nhóm thì các thành viên sẽ có thêm động lực và sự thúc đẩy để thay đổi cũng như duy trì các thói quen có lợi cho sức khỏe. Sự khuyến khích, động viên hoặc khen ngợi từ những người thân quen bên cạnh sẽ khiến cho người thừa cân, béo phì kiên trì thực hiện việc giảm cân hơn.
Theo WHO, năm 2016 trên thế giới có hơn 1,9 tỷ người trên 18 tuổi bị thừa cân, trong đó có hơn 650 triệu người bị béo phì. Con số này tương đương 39% dân số thế giới bị thừa cân và 13% bị béo phì. Béo phì cũng là một tình trạng đang ngày càng phổ biến ở trẻ em. Năm 2016, có hơn 340 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. Con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên. WHO ước tính đến năm 2025, có thêm khoảng 167 triệu người bao gồm cả người lớn và trẻ em sẽ trở nên kém khỏe mạnh hơn vì thừa cân, béo phì.
Sao Mai (ghi)