Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần với một lượng rất nhỏ nhưng có vai trò rất quan trọng, nếu thiếu sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ.
ThS-BS Võ Thị Bích Hạnh - Chuyên khoa Nhi – Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển trí tuệ và thể chất của trẻ. Vi chất bao gồm các vitamin và khoáng chất vi lượng: sắt, kẽm, đồng, magie,… Vi chất tham gia vào cấu tạo tế bào cũng như quá trình chuyển hóa của hầu hết tế bào trong cơ thể. Sắt tham gia cấu tạo hồng cầu, vận chuyển ôxy. Kẽm tham gia vào hơn 100 loại enzym trong cơ thể. Vitamin A tham vào quá trình chuyển hóa, miễn dịch, cấu trúc của tế bào võng mạc. Vitamin D tham gia vào qua trình tạo xương và răng, I ốt tham gia vào hooc môn tuyến giáp…
Vi chất dinh dưỡng tham gia vào cấu tạo của hầu hết tế bào nên thiếu vi chất dinh dưỡng thường để lại hậu quả nặng nề. “Thiếu vi chất dinh dưỡng không có triệu chứng nên khó phát hiện sớm, vì vậy việc thiếu vi chất được gọi là “nạn đói tiềm ẩn”, nghĩa là việc thiếu vi chất đã xảy ra từ rất lâu trước khi triệu chứng xuất hiện và khi phát hiện được thì đã để lại triệu chứng nặng nề”,- BS Hạnh cho hay.
Nếu thiếu vi chất dinh dưỡng, sẽ có một số bệnh lý đặc hiệu như: Thiếu sắt, Vitamin B9, B12 sẽ gây tình trạng thiếu máu. Thiếu vitamin D gây còi xương, thiếu vitamin A bị khô mắt quáng gà, loét giác mạc thậm chí gây mù lòa. Thiếu kẽm: chán ăn, mệt mỏi, dễ nhiễm trùng, chậm tăng cân…
Phụ huynh thăm khám dinh dưỡng cho trẻ ở Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai.
Theo BS Hạnh, hiện nay vẫn còn tồn tại tình trạng các bậc phụ huynh tự ý bổ sung vi chất cho trẻ theo quảng cáo, theo Internet…điều này rất có hại cho trẻ. Khi cần bổ sung vi chất cho trẻ, phụ huynh không nên bổ sung theo cách “cảm tính”, cần phải thăm khám để bác sĩ cho những chỉ định cần thiết như xét nghiệm vi chất. Xét nghiệm vi chất cho trẻ được khuyến cáo khi trẻ có những dấu hiệu: Trẻ chậm lớn, không tăng cân, kém phát triển chiều cao; Hay ốm vặt, tiêu chảy, viêm mũi họng kéo dài; Hay bị chuột rút, đau mỏi người, không muốn chơi đùa hay vận động; Chậm mọc răng, chảy máu nướu răng, còi xương; Trẻ biếng ăn, ăn không ngon miệng; Hay giật mình, ra mồ hôi trộm, quấy khóc về đêm; Xương sọ mềm, ấn xuống thấy lõm (bỏ tay ra lại về bình thường); Da xanh nhợt nhạt, tóc khô, rụng tóc. Qua các kết quả xét nghiệm bác sĩ sẽ có những chỉ định bổ sung vi chất cho trẻ hợp lý.
Việc sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày để bổ sung vi chất dinh dưỡng rất quan trọng. BS Hạnh khuyến khích các bậc phụ huynh lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng, như: những loại thực phẩm có chứa vi chất sắt có ở lòng đỏ trứng gà, tim, gan…; Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm: sò, củ cải, đậu hà lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà….; Can xi có nhiều ở hải sản như sữa, tôm, cua, trai ốc. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc tiếp xúc với ánh nắng và các thực phẩm như: dầu cá, trứng, gan. Vitamin nhóm B có nhiều trong gạo, các loại đậu, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, sữa, pho mát.
“Cần chọn thực phẩm tươi ngon, không chế biến thức ăn quá kỹ sẽ làm mất vitamin và khoáng chất trong thực phẩm. Bổ sung bữa ăn phụ cho trẻ qua những loại hoa quả hay bánh giàu vi chất và kẽm giúp bổ sung vi chất dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ”,- BS Hạnh lưu ý thêm.
Mai Liên