Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc sử dụng máy tính hay điện thoại để làm việc, học tập là thường xuyên. Do đó, sẽ làm gia tăng các rối loạn hoặc các bệnh lý về mắt.
Các rối loạn, bệnh lý về mắt
Theo BS.CKI Vũ Minh Ái - Khoa mắt, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark, khi sử dụng thiết bị điện tử nhiều mắt sẽ gặp rất nhiều các rối loạn, bệnh lý như: Hội chứng thị giác máy tính (Computer Vision Syndrome - CVS), đây là một nhóm các triệu chứng liên quan đến mắt và thị giác do sử dụng máy tính hoặc các thiết bị điện tử khác trong thời gian dài.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên các rối loạn, bệnh lý về mắt, cụ thể: Nhìn gần liên tục: Khi nhìn gần, mắt phải điều tiết nhiều hơn để tập trung hình ảnh, gây căng thẳng cho cơ mắt; Giảm tần suất chớp mắt: Khi tập trung vào màn hình, chúng ta chớp mắt ít hơn, dẫn đến khô mắt; Ánh sáng xanh từ màn hình có thể gây hại cho võng mạc và là nguyên nhân của quá trình thoái hóa điểm vàng; Tư thế không đúng có thể gây căng thẳng cho mắt, cổ, vai, gáy; Môi trường làm việc thiếu ánh sáng hoặc quá sáng, màn hình bị chói, hoặc không khí khô cũng có thể ảnh hưởng đến mắt.
“Khi bị các bệnh về mắt, chúng ta thường gặp những triệu chứng như: Mỏi mắt, căng mắt, mệt mỏi, nặng nề, khó mở mắt; Khô mắt, rát, cộm, ngứa, chảy nước mắt; Nhìn mờ do thị lực giảm, nhìn không rõ nét, đặc biệt khi nhìn xa; Đau đầu âm ỉ hoặc dữ dội, cảm giác đau thường có ở vùng trán hoặc thái dương; Đau cổ, vai, gáy; Nhạy cảm với ánh sáng: Mắt khó chịu khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh; Mắt bị đỏ và kích ứng”, - BS Minh Ái cho biết thêm.
Người dân khám mắt tại Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark.
Tuân thủ các biện pháp để giảm bệnh lý về mắt
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ cần tiếp xúc với màn hình của các thiết bị điện tử trên 3 giờ/ngày, mắt sẽ có nguy cơ bị suy giảm thị lực 90%. Do đó, chỉ nên tương tác với các thiết bị điện tử dưới khoảng thời gian này mỗi ngày. Thế nhưng, theo con số thống kê ở Việt Nam, trung bình một ngày, mỗi người dành 6 giờ để truy cập mạng, 2 giờ để xem tivi. Con số này cao gần gấp 3 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Để hạn chế những bệnh lý về mắt, khi sử dụng thiết bị điện tử, cần cho mắt nghỉ ngơi và áp dụng nguyên tắc 20-20-20 (sau 20 phút sử dụng thiết bị điện tử nên nhìn xa 20 feet (6m) trong 20 giây); đồng thời chớp mắt 15 lần trong 1 phút để giảm tình trạng khô mắt; không sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ từ 30 phút đến 1 giờ; Điều chỉnh màn hình để đảm bảo màn hình ở khoảng cách và độ cao phù hợp, không bị chói và độ sáng vừa phải; Đảm bảo môi trường làm việc có đủ ánh sáng, không khí không quá khô; Tư thế ngồi đúng: Ngồi thẳng lưng, hai chân chạm đất, màn hình cách mắt khoảng 50-70 cm, hạn chế nằm khi coi các thiết bị điện tử. Nên đi khám mắt định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về mắt; Sử dụng kính lọc ánh sáng xanh khi sử dụng thiết bị điện tử để bảo vệ mắt; Hạn chế thời gian sử dụng đặc biệt là đối với trẻ em.
“Việc tiếp xúc với thiết bị điện tử trong thời gian kéo dài có thể làm cho mắt người bệnh cảm thấy đau tức, khó chịu, mỏi mệt; gây khô mắt khi người bệnh tập trung vào thiết bị điện tử và quên chớp mắt. Ánh sáng xanh trong các thiết bị điện tử còn làm kích thích tế bào thần kinh cảm thụ giúp con người tỉnh táo. Ở người lớn tuổi nếu sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ thời gian dài có thể gây ra chậm vào giấc ngủ hoặc mất ngủ”, - BS Minh Ái cho biết thêm.
Mai Chi