Đau lưng là bệnh lý phổ biến hiện nay, không những xảy ra ở những người lớn tuổi mà còn xảy ra ở những người trẻ tuổi. Những cơn đau kéo dài liên tục hoặc ngắt quãng ở lưng không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm việc mà còn khiến người bệnh rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm, giảm chất lượng cuộc sống. Do đó, việc phát hiện và điều trị kịp thời rất quan trọng.
Triệu chứng và cảnh báo khi bị đau lưng
Đau lưng thường gặp như: đau nhức, khó chịu khi kích hoạt bất kỳ vị trí nào trên lưng. Triệu chứng đau có thể lan tới mông, chân, và có thể lan vào các vị trí khác tùy theo vị trí của dây thần kinh đó chi phối.
Đau lưng có thể xảy ra ở nhiều vị trí như: đau lưng trên, đau lưng giữa, đau lưng dưới, đau một bên (trái hoặc phải).
Lưng bị đau có thể là cảnh báo của một số bệnh lý nghiêm trọng như: thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng, đau thần kinh tọa, vẹo cột sống, loãng xương, các chấn thương cột sống… Một số nguyên nhân gây đau lưng khác như: thoái hóa tự nhiên, ngồi nhiều ít vận động, các chấn thương như: căng cơ, co thắt cơ cấp, thừa cân béo phì…

ThS Nguyễn Như Giao - Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện ĐK Đồng Nai khám cho một bệnh nhân đau lưng.
Tùy theo nguyên nhân và tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chọn những phương pháp điều trị phù hợp. Có thể điều trị ngoại khoa, nội khoa hoặc vật lí trị liệu. Hiện nay phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu được rất nhiều bệnh nhân lựa chọn, đây là một phương pháp điều trị không xâm lấn, mang lại hiệu quả điều trị cao.
Phòng ngừa đau lưng và bảo vệ cột sống như thế nào?
Trong lao động và sinh hoạt hằng ngày, chúng ta cần lưu ý những điều sau:
Giữ tư thế đúng trong sinh hoạt và lao động, khi nâng vật nặng hãy ngồi ở tư thế ngồi xổm sao cho lưng thẳng, đầu thẳng. Khi đứng dậy, hãy dùng chân trụ để nâng vật. Tuyệt đối không cúi khom người hay vặn người vì sẽ ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng.
Khi ngồi luôn giữ tư thế đúng: thẳng lưng, bàn làm việc phải phù hợp với chiều cao để tránh gập người khi làm việc, ghế ngồi có chỗ dựa lưng. Thường xuyên thay đổi tư thế khi phải ngồi lâu, sau khoảng 1 giờ nên đứng lên và di chuyển.
Tránh nằm nệm quá mềm hoặc quá cứng, có độ mềm vừa phải để giữ cho cột sống luôn thằng khi nằm. Duy trì cân nặng hợp lí nhằm giảm áp lực lên cột sống, hạn chế thương tổn.
Chế độ ăn uống hợp lý, đầy đủ vitamin để bảo đảm cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho xương và kiểm soát cân nặng cơ thể. Thường xuyên tập luyện những bài tập cột sống thắt lưng nhằm giúp cho cơ bụng và cơ lưng khỏe mạnh, giúp giữ vững và ổn định cột sống.
Có thể thấy đau lưng khiến chúng ta gặp nhiều khó khăn trong công việc, âm thầm làm giảm chất lượng cột sống. Đau lưng là một trong những dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường hay cơn đau ở lưng, bạn nên đến bác sĩ thăm khám và điểu trị càng sớm càng tốt.
ThS Nguyễn Như Giao
Trưởng khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện ĐK Đồng Nai