Hội chứng hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai dù khi mắc bệnh có triệu chứng nhẹ hay nặng… Hội chứng hậu COVID-19 tuy ít có nguy cơ tử vong, nhưng sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong một khoảng thời gian dài, ảnh hưởng đến chất lượng của sống của bệnh nhân. Do đó việc thăm khám và khám định kỳ sau khi nhiễm COVID-19 là rất quan trọng, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh lý.
Những biểu hiện hội chứng hậu COVID-19
Hội chứng hậu COVID-19 có biểu hiện rất đa dạng và thường có ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm: Mệt mỏi hay cảm giác yếu sức thường gặp ở 2/3 bệnh nhân; cảm thấy hụt hơi, khó thở khi hoạt động (chẳng hạn như đi bộ, tập thể dục,…). Khó thở, nhất là khó thở khi gắng sức. Cảm thấy ngột ngạt thiếu không khí ngay cả khi đang trong trạng thái nghỉ ngơi. Ho kéo dài, khan (có thể ho liên tục hoặc thỉnh thoảng lại ho một lần), thở khò khè, nặng ngực. Đau ngực hay khó chịu vùng ngực, cảm giác cơ thể nặng nề, khó chịu, khi xoa lồng ngực thì cảm giác dễ thở hơn.
Các triệu chứng ít gặp hơn: Nhức đầu, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, chóng mặt, choáng váng, tim đập nhanh, đau khớp, đau cơ, mất mùi vị, rối loạn tiêu hóa, ăn kém, mất ngủ, rụng tóc. Các triệu chứng có thể mới khởi phát sau khi đã hồi phục khi bị COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ đợt bệnh ban đầu. Các triệu chứng cũng có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian.
Cần kiểm tra, theo dõi kỹ sức khỏe sau khi khỏi COVID-19
Dù đa số bệnh nhân COVID-19 bị tổn thương về tinh thần nhưng cần phải khẳng định, hội chứng hậu COVID-19 là một hội chứng thực thể, xảy ra do những rối loạn bên trong cơ thể chúng ta, chứ không phải đơn thuần chỉ là vấn đề tâm lý hay do bệnh nhân “tưởng tượng” ra.
Hội chứng hậu COVID-19 do nhiều cơ chế gây ra, triệu chứng đa dạng và không giống nhau ở các bệnh nhân. Bệnh lý COVID-19 không chỉ ảnh hưởng lên phổi mà còn tác động đa cơ quan: hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh, thận, gan... Những triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19 tuy ít có nguy cơ gây tử vong nhưng sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu trong một khoảng thời gian (thường là 3-6 tháng, có thể kéo dài đến 12 tháng) sau khi bệnh COVID-19, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày và làm sụt giảm nghiêm trọng chất lượng sống của bệnh nhân hậu COVID-19.

Bác sĩ khám cho bệnh nhân bị hội chứng hậu COVID-19 tại Bệnh viện Quốc Tế Hoàn Mỹ Đồng Nai.
Theo nghiên cứu, khoảng 40-60% bệnh nhân COVID-19 không thể trở lại các hoạt động sống bình thường sau khi xuất viện. Đối với bệnh nhân COVID-19 nhẹ (điều trị tại nhà) cũng có khoảng 30-40% bệnh nhân không thể trở lại tình trạng sức khỏe ban đầu và bị suy giảm chất lượng cuộc sống. Hiện nay chúng ta vẫn chưa xác định được những bệnh nhân COVID-19 nào có nguy cơ mắc hội chứng hậu COVID-19, do đó bệnh nhân hậu COVID-19 cần được kiểm tra sức khỏe và theo dõi kỹ.
Làm gì khi bị hội chứng hậu COVID?
Cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng hậu COVID là phòng ngừa tránh mắc bệnh COVID-19. Đối với những người không có chống chỉ định tiêm phòng COVID-19, hãy tiêm vắc xin phòng COVID-19 ngay khi có thể là cách tốt nhất để phòng bệnh và giúp những người xung quanh giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nếu chẳng may bạn bị mắc COVID-19 hãy tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của nhân viên y tế, cơ sở y tế có chuyên môn tốt, đặc biệt không tự ý mua và tự dùng thuốc trôi nổi trên thị trường.
Khi thấy có những biểu hiện của hội chứng hậu COVID-19, người bệnh hãy đến cơ sở y tế có uy tín. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh, hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết. Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu COVID-19 là điều trị không đặc hiệu, điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện và phục hồi chức năng.
BS.CKI Đỗ Quốc Chung
Trưởng khoa Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Đồng Nai