Hiện nay, xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, việc chăm sóc sức khỏe, tạo môi trường thân thiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích sẽ tạo ra động lực đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Già hóa dân số và những thách thức
Với đời sống kinh tế xã hội và hệ thống y tế phát triển, tuổi thọ người Việt Nam hiện nay đã tăng cao, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người Việt Nam năm 2023 là 73,7 tuổi; trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, của nữ giới là 76,5 tuổi. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của Việt Nam hiện nay đứng thứ 4 trong khu vực.
Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% tổng dân số. Năm 2021, số người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 8,3% tổng dân số (8,16 triệu người cao tuổi). Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới.
Sự già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức. Về cơ hội, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động.
Khám sức khỏe cho người cao tuổi tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch.
Tuy nhiên, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức nghiêm trọng về tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội, lao động, thiết kế cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Chúng ta đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật lớn, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền như tăng huyết áp, đái tháo đường, sa sút trí tuệ,…
Như vậy, trước những cơ hội và thách thức từ già hóa dân số, việc cần làm hiện nay là tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích tạo ra động lực để người cao tuổi đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Để chăm sóc tốt cho sức khoẻ người cao tuổi cần quan tâm tới cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Bên cạnh sự quan tâm của gia đình và xã hội giúp chăm sóc sức khỏe tinh thần thì để chăm sóc sức khỏe thể chất người cao tuổi, chúng ta cần chú ý những điều sau:
Chế độ dinh dưỡng hợp lý: khi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng là một yếu tố không thể bỏ qua. Nếu biết cách cân bằng dinh dưỡng cho người cao tuổi, họ sẽ có sức khỏe tốt và tinh thần lạc quan. Người cao tuổi cần ăn uống cân đối các nhóm dưỡng chất (gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Nên ăn các thức ăn thực vật như: vừng, lạc, đậu đỗ, rau xanh và hoa quả chín, ăn ít thịt thay vào đó là cá, tôm,… vì người cao tuổi, tiêu hóa hấp thụ chất đạm kém nên dễ xảy ra tình trạng thiếu đạm. Ở đậu, lạc, vừng và cá đều có nhiều chất đạm lại có nhiều chất dầu giúp đề phòng các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, khi ăn, cần ăn chậm nhai kỹ thức ăn. Chế biến các món hấp, luộc nhừ thay thế các món chiên, nướng. Các món ăn chế biến mềm, thái nhỏ, hầm kỹ để phù hợp với hàm răng yếu và dễ tiêu hóa. Không ăn quá no, nhất là vào buổi tối, sau khi ăn xong nên ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng trong vòng 30 phút sẽ giúp dạ dày nhào trộn thức ăn và dễ tiêu.
Vận động và luyện tập thể dục thường xuyên: vận động thường xuyên giúp giảm các vấn đề liên quan đến tuổi tác và lão hóa. Luyện tập thể dục đều đặn giúp tăng cường sức khỏe, hạn chế mắc các bệnh tim mạch, góp phần làm giảm cân nặng trong trường hợp thừa cân, chống loãng xương, cải thiện cơ lực và các hoạt động chức năng, cải thiện về mặt tâm lý. Người cao tuổi nên chọn bài tập thể dục phù hợp với sức khỏe, sở thích, dễ thực hiện như đi bộ, tập thể dục dưỡng sinh, yoga, chơi cờ,...
Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần: thông qua việc làm này có thể giúp người cao tuổi phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tiềm ẩn nếu có.
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai