Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) gây nên. Lao không chỉ ảnh hướng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Hầu hết bệnh lao có thể được điều trị dứt điểm nếu bệnh nhân tuân thủ đầy đủ liệu trình điều trị.
Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 - 85% tổng số ca bệnh) và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lan truyền từ người sang người qua đường hô hấp, vi khuẩn lao từ các hạt nước bọt li ti sẽ dễ dàng bị hít vào phổi, xuống tận phế nang và nhân lên, gây bệnh tại phổi. Từ phổi, vi khuẩn có thể qua máu, bạch huyết đến các tạng khác trong cơ thể (hạch bạch huyết, xương, gan, thận,...) và gây bệnh tại các cơ quan đó của cơ thể.
Triệu chứng nghi ngờ lao phổi quan trọng nhất là ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu). Ngoài ra có thể có gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi “trộm” ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở.
Gánh nặng bệnh lao
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao với 169.000 người mắc bệnh lao và 12.000 người tử vong do lao năm 2021, xếp thứ 11 trong 30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao cao trên thế giới. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng, bởi số lượng và tỷ lệ tử vong do lao trong hai năm 2020-2021 tăng trở lại so với giai đoạn trước đây.
Điều dưỡng phát thuốc cho bệnh nhân lao đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.
Bệnh lao không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh mà còn ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình người bệnh. Về chi phí cho chẩn đoán và điều trị bệnh lao: có tới 63% trong số những bệnh nhân lao thường, 98% trong số những bệnh nhân lao kháng thuốc đối mặt với những “chi phí thảm họa” - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. Bên cạnh đó, có tới 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, vì vậy bệnh lao đang thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Tuân thủ điều trị để chữa khỏi bệnh lao
Tuân thủ điều trị là yếu tố quan trọng trong việc điều trị khỏi bệnh lao, từ đó giúp giảm gánh nặng về bệnh tật và kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân lao.
Theo Bộ Y tế, có 4 nguyên tắc trong điều trị bệnh lao, bao gồm:
Phối hợp các thuốc chống lao: vì mỗi loại thuốc chống lao có tác dụng khác nhau trên vi khuẩn lao (diệt khuẩn, kìm khuẩn,…), do vậy phải phối hợp các thuốc chống lao.
Dùng thuốc đúng liều: Các thuốc chống lao tác dụng hợp đồng, mỗi thuốc có một nồng độ tác dụng nhất định. Nếu dùng liều thấp sẽ không hiệu quả và dễ tạo ra các chủng vi khuẩn kháng thuốc, nếu dùng liều cao dễ gây tai biến.
Dùng thuốc đều đặn: Các thuốc chống lao phải được uống cùng một lần vào thời gian nhất định trong ngày và xa bữa ăn để đạt hấp thu thuốc tối đa.
Dùng thuốc đủ thời gian và theo 2 giai đoạn tấn công và duy trì: Giai đoạn tấn công kéo dài 2 đến 3 tháng nhằm tiêu diệt nhanh số lượng lớn vi khuẩn có trong các vùng tổn thương để ngăn chặn các vi khuẩn lao đột biến kháng thuốc. Giai đoạn duy trì kéo dài 4 đến 6 tháng nhằm tiêu diệt triệt để các vi khuẩn lao trong vùng tổn thương để tránh tái phát.
Người bị bệnh lao phải tuân thủ 4 nguyên tắc điều trị trên và được theo dõi trong suốt quá trình điều trị. Việc không tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa sẽ tạo điều kiện để phát triển thành thể lao kháng thuốc, mắc thể lao nặng hơn, khó chữa hơn, tỷ lệ điều trị thành công thấp hơn và dễ tử vong hơn. Đặc biệt, đây cũng sẽ là nguồn lây dai dẳng và nguy hiểm cho cộng đồng.
Để tránh quên dùng thuốc trong quá trình điều trị, người bệnh lao có thể áp dụng một số cách sau: sử dụng đồng hồ báo thức; sử dụng giấy ghi chú dán ở nơi dễ nhìn thấy (bàn làm việc, bàn ăn,…) hoặc có thể dùng một số ứng dụng trên điện thoại thông minh để nhắc nhở việc uống thuốc; để thuốc ở vị trí dễ nhìn thấy;…
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai