Đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ là một bệnh lý thuộc về rối loạn chuyển hóa của cơ thể khiến cho nồng độ đường trong máu tăng cao trong thời kỳ mang thai mà trước đó chưa phát hiện. ĐTĐ thai kỳ vừa ảnh hưởng đến sức khoẻ người mẹ vừa gây hại đến sự phát triển của thai nhi.
Cần thăm khám định kỳ
Hàng ngày, khi ăn tuyến tụy sẽ tiết ra insulin đây là một hormone giúp vận chuyển glucose vào trong tế bào, sử dụng nó để tạo năng lượng cho cơ thể. Khi đó, chỉ số đường huyết đói và đường huyết sau ăn được điều hòa ổn định, không tăng quá cao và không giảm quá thấp.
Trong thời kỳ mang thai, bánh nhau sản xuất ra một số hormone gây tăng lượng đường trong máu. Thông thường, tuyến tụy có thể tiết ra đủ Insulin để xử lý nó. Nhưng nếu tuyến tụy không thể tạo đủ insulin hoặc cơ thể bạn có sự đề kháng với Insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng lên. Tình trạng đó được gọi là ĐTĐ thai kỳ.
ThS.BS Nguyễn Đức Toản – Trưởng liên chuyên khoa Ngoại – Sản - Bệnh viện Công ty cao su cho biết, ĐTĐ thai kỳ là một bệnh lý thuộc về rối loạn chuyển hóa của cơ thể khiến cho nồng độ đường trong máu tăng cao trong thời kỳ mang thai mà trước đó chưa phát hiện. ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa thai kỳ bằng xét nghiệm máu, loại trừ các trường hợp đã được chẩn đoán rõ ràng typ 1 hoặc typ 2 trước đó. ĐTĐ thai kỳ được chia làm 2 loại là A1 và A2.
Đối với ĐTĐ thai kỳ A1: Đường huyết được kiểm soát bằng các phương pháp không dùng thuốc; Còn đối với ĐTĐ thai kỳ A2 bắt buộc phải sử dụng thuốc để kiểm soát thai kỳ.
Để có một thai kỳ khoẻ mạnh, thai phụ cần đi khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hầu hết phụ nữ mắc bệnh ĐTĐ thai kỳ thường không có triệu chứng đặc hiệu, phát hiện bệnh nhờ vào đánh giá yếu tố nguy cơ và khám thai định kỳ. Tuy nhiên, thai phụ có thể nghi ngờ mắc ĐTĐ nếu xuất hiện một số dấu hiệu như thường xuyên cảm thấy khát, tiểu nhiều hơn và ăn nhiều hơn bình thường.
Phụ nữ mang thai dễ bị ĐTĐ thai kỳ khi có yếu tố nguy cơ sau: Thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai; Đã mắc ĐTĐ thai kỳ ở thai kỳ trước; Tiền căn sinh con to trên 4000 gam, thai lưu ở 3 tháng cuối, sảy thai liên tiếp hoặc thai dị tật bẩm sinh; Mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hoặc cơ thể có tình trạng đề kháng insulin; Có bệnh nội khoa mạn tính như tăng huyết áp, bệnh tim, tăng cholesterol máu; Gia đình có thành viên mắc ĐTĐ.
Nhiều biến chứng nguy hiểm do ĐTĐ thai kỳ
“Nếu không được theo dõi điều trị tốt người mẹ có thể bị những biến chứng trong thời gian mang thai và kéo dài sau sinh, như: Tăng huyết áp; Tiền sản giật và sản giật; Mẹ bị sảy thai nhiều lần liên tiếp hoặc thai chết lưu không rõ lý do; Mẹ bị nhiễm trùng tiết niệu, dễ bị mắc các bệnh lý về tim mạch hoặc béo phì sau sinh; Thai phụ dễ bị đẻ non, đa ối. Trong quá trình chuyển dạ thường kéo dài, sinh khó, sang chấn hay băng huyết. Tăng nguy cơ ĐTĐ typ 2 trong tương lai (tức là ĐTĐ vĩnh viễn) và tăng nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ ở những lần mang thai sau” - BS Toản chia sẻ.
Hiện nay, không có biện pháp tuyệt đối nào phòng ngừa tình trạng ĐTĐ khi mang thai. Tuy nhiên, thai phụ nên có kế hoạch duy trì thói quen và lối sống lành mạnh trước và trong khi mang thai. Trong giai đoạn mang thai cần xét nghiệm theo dõi đường huyết để được nhân viên y tế tư vấn sẽ giảm nguy cơ ĐTĐ đáng kể.
“Tất cả các thai phụ nên được kiểm tra đường huyết bằng nghiệm pháp tăng đường huyết 3 mẫu dành cho phụ nữ mang thai ở tuần thai 24-28, riêng những đối tượng nguy cơ cao nói trên cần kiểm tra đường huyết ngay khi phát hiện có thai. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng hợp lý như thức ăn giàu đạm, ít béo, giàu sắt… chế độ luyện tập phù hợp sẽ giúp kiểm soát đường huyết ổn định đóng vai trò quan trọng trong điều trị ĐTĐ thai kỳ” - BS Toản khuyến cáo.
Mai Liên