Theo Tổng cục Dân số Kế hoạch hoá gia đình ( Bộ Y tế) trong giai đoạn 2015-2019, mỗi năm trên thế giới có 121 triệu ca mang thai ngoài ý muốn, trong đó 61% được giải quyết bằng phá thai, tương đương với 73 triệu ca phá thai mỗi năm.
Mang thai ngoài ý muốn xảy ra khi phụ nữ muốn ngừng sinh con, giãn khoảng cách giữa các lần sinh nhưng không dùng biện pháp tránh thai, hay dùng biện pháp tránh thai nhưng không hiệu quả, hoặc phải quan hệ tình dục trái ý muốn và một số giải quyết bằng cách phá thai, một số khác lựa chọn sinh con dù không muốn.
Biến chứng của việc phá thai không an toàn
Khi mang thai ngoài ý muốn nhiều người lựa chọn phá thai nhưng lại không đến các cơ sở y tế uy tín mà chọn phá thai “chui” tại các cơ sở không được cấp phép, không có đầy đủ trang thiết bị dẫn đến nhiều tai biến sau phá thai.
Những tai biến, hậu quả xấu về sức khỏe sinh sản do phá thai không an toàn gồm vô sinh (do tắc dính buồng tử cung, vòi trứng), chửa ngoài dạ con, băng huyết, sót rau, thủng tử cung, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.
Mỗi năm có khoảng 4,7-13,2% số ca tử vong mẹ được cho là do phá thai không an toàn. Ở các quốc gia phát triển, ước tính có 30 phụ nữ tử vong trên 100.000 ca phá thai không an toàn, nhưng số ca tử vong tăng lên 220 ca ở các quốc gia đang phát triển và tăng đến 520 ca trên 100.000 ca phá thai không an toàn ở khu vực tiểu vùng Sahara của châu Phi.
Bác sĩ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai tư vấn các biện pháp tránh thai cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Chủ động phòng tránh thai mang lại nhiều lợi ích
Chủ động trong việc sinh con: việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.
Tránh được những tai biến sản khoa và các bệnh lây truyền qua đường tình dục: nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn thì làm tăng tỉ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến cho phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là chết lưu và suy dinh dưỡng…
Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình: lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản.
Các biện pháp tránh thai an toàn hiện nay
Hiện có rất nhiều biện pháp tránh thai và việc lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp là rất quan trọng. Có 5 biện pháp tránh thai phổ biến nhất hiện nay, cụ thể:
Nang(que) cấy tránh thai: Que cấy tránh thai là một que nhựa (có kích thước bằng que diêm), chứa progestin. Đây là một biện pháp tránh thai lâu dài. Que sẽ được bác sĩ cấy vào dưới da vùng cánh tay. Khi có kế hoạch sinh em bé trở lại, chị em vẫn có thể mang thai sau khi gỡ que cấy ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, khi sử dụng que cấy tránh thai, nhiều phụ nữ bị rong kinh trong vòng một năm đầu tiên.
Đặt vòng tránh thai: Ưu điểm là hiệu quả tránh thai rất cao; khả năng mang thai trở lại sớm khi tháo ra; tác dụng kéo dài từ 5-10 năm. Nhược điểm là không phù hợp với người chưa sinh lần nào; đặt vào, tháo ra phải được thực hiện tại cơ sở y tế.
Bao cao su: là biện pháp giúp phòng tránh thai đồng thời phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, kể cả HIV/AIDS. Tuy nhiên mỗi bao cao su chỉ dùng được một lần khi giao hợp; có thể rách, vỡ bao khi giao hợp.
Thuốc tránh thai: Có rất nhiều loại thuốc tránh thai cho phụ nữ lựa chọn (như thuốc uống tránh thai hàng ngày, thuốc uống tránh thai khẩn cấp), bao gồm các loại thuốc chỉ chứa progestin và các loại thuốc phối hợp estrogen và progestin.
Miếng dán tránh thai: là biện pháp tránh thai tạm thời, chứa progestin và estrogen. Miếng dán tránh thai là một miếng dán mỏng, có thể dán lên bụng, mông, cánh tay.
Ngoài ra còn có các biện pháp tránh thai khác như thuốc tiêm tránh thai, cho bú vô kinh, triệt sản nam, triệt sản nữ,… nhưng ngoài biện pháp sử dụng bao cao su, các biện pháp khác đều không thể ngăn ngừa được các bệnh lây qua đường tình dục và HIV/AIDS.
Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm khác nhau, để chọn được biện pháp phù hợp các cặp vợ chồng cần đi khám sức khỏe sinh sản và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
BS.Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai