Những tháng cuối năm, tại tỉnh Đồng Nai đang là thời điểm giao mùa mưa – nắng, thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển và gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ em khi sức đề kháng của các em còn yếu.
Khi thời tiết giao mùa, nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, độ ẩm không khí giảm, ít gió,… làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những đối tượng sức đề kháng yếu hoặc không thích nghi kịp như người già, trẻ em sẽ dễ mắc bệnh.
Mặt khác, điều kiện môi trường thay đổi như trên cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người.
Các bệnh thường gặp ở trẻ thời điểm giao mùa
Bệnh cúm
Với thời tiết giao mùa tại Đồng Nai hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, trong đó có trẻ em. Bệnh cúm là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh, có thể gây dịch và đại dịch. Bệnh lây lan qua đường hô hấp, lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.
Bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp đang được bác sĩ khám tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.
Triệu chứng của bệnh cúm rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, điển hình như sốt (thường trên 380C), đau nhức cơ toàn thân, đau họng, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho, khó thở.
Bệnh cúm thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng cũng có thể biến chứng gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng yếu như người già, trẻ em.
Bệnh đường hô hấp
Các bệnh đường hô hấp gồm bệnh đường hô hấp trên như viêm mũi, họng, viêm amidan,… và bệnh đường hô hấp dưới như viêm phế quản, viêm phổi là những bệnh lý thường gặp ở trẻ khi thời tiết giao mùa, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do tình trạng dị ứng hoặc do các tác nhân vi khuẩn, vi rút.
Trẻ bị viêm đường hô hấp thường có triệu chứng sốt, ho, chảy mũi nước, hắt xì. Phần lớn trẻ bị viêm đường hô hấp trên thể nhẹ chỉ kéo dài vài ba ngày là tự khỏi mà không cần dùng kháng sinh, bởi vì hầu hết do vi rút gây ra. Tuy nhiên, viêm đường hô hấp trên nếu không chữa trị dứt điểm, rất có khả năng chuyển thành viêm hô hấp dưới, một số trẻ mắc thể nhẹ có thể trở nặng trong một quãng thời gian ngắn.
Bệnh đường tiêu hóa
Nhiệt độ, độ ẩm thay đổi vào thời điểm giao mùa khiến thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu tạo môi trường thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng phát triển, gây bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy, kiết lỵ,…). Đối với những bệnh này, trẻ thường có những biểu hiện như đi ngoài phân lỏng, nôn ói, đau bụng, dễ mất nước, có thể dẫn đến trụy mạch rồi tử vong nếu không được chăm sóc đúng cách và điều trị kịp thời.
Phòng bệnh cho trẻ thời điểm giao mùa cuối năm
Để bảo vệ sức khỏe của trẻ khi thời tiết giao mùa vào các tháng cuối năm, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ (đối với các bệnh có vắc xin phòng như cúm, sởi,…).
2. Đảm bảo dinh dưỡng, cho trẻ ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.
3. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
4. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát.
5. Giữ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời vào ban đêm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
6. Hạn chế tối đa việc cho trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy,…
Khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời, không nên tự ý điều trị tại nhà.
BS.Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai