Kiểm soát chế độ ăn uống trong những ngày nghỉ Tết thực sự là rất khó khăn với người bệnh đái tháo đường khi mà phần lớn những món ăn Tết truyền thống đều nhiều năng lượng, nhiều đường, chất béo và nhiều muối… Vậy, người bệnh cần lưu ý ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Người bệnh đái tháo đường cần cố gắng duy trì thói quen ăn uống phù hợp trong ngày Tết
Người mắc bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát điều trị tốt có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, thì việc duy trì đường huyết an toàn thông qua chế độ ăn uống rất quan trọng.
Những món ăn truyền thống trong ngày Tết chủ yếu rất nhiều năng lượng, nhiều đường, chất béo và nhiều muối. Tất cả đều không tốt cho người bệnh đái tháo đường.
Cần hạn chế tối đa thực phẩm có hàm lượng đường cao như bánh mứt kẹo.
Các món phổ biến như: bánh chưng, bánh tét, thịt đông, xôi chè, bánh mứt kẹo, nước ngọt có gas, hoa quả sấy khô… đều rất nhiều đường hấp thu nhanh, dễ khiến đường trong máu tăng cao. Vì vậy, người bệnh cần chuẩn bị riêng những thực phẩm phù hợp và cần cố gắng duy trì nguyên tắc ăn uống để tránh đường máu tăng cao đột ngột.
Tránh thực phẩm chứa lượng đường cao
Để tránh làm cho lượng đường trong máu tăng cao, người bệnh cần phải có chế độ ăn uống phù hợp. Trong đó cần chú ý tránh thực phẩm chứa lượng đường cao.
Cần hạn chế tối đa các loại thức ăn có hàm lượng đường cao như: bánh chưng, các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô...)… vì khi ăn vào làm tăng nhanh đường huyết.
Chọn thực phẩm giúp kiểm soát đường huyết
Người bệnh đái tháo đường nên sử dụng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như: Ngũ cốc nguyên hạt; Các loại rau không chứa tinh bột, cà chua, cà rốt…; Các loại trái cây như: táo, chuối, bưởi, mận, lê, kiwi, ổi…
Các loại rau xanh, trái cây tươi và ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều vitamin, khoáng chất, đặc biệt giàu chất xơ. Ngoài công dụng hỗ trợ tiêu hóa, chất xơ còn có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu, từ đó giúp kiểm soát tốt đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
Hạn chế tối đa rượu bia
Người bệnh đái tháo đường luôn nhớ phải hạn chế tối đa uống rượu bia. Nếu uống chỉ nên uống ít và nên ăn nhẹ trước khi uống vì khi uống rượu có thể gây hạ đường huyết.
Tốt nhất nên kiểm tra đường huyết trước khi uống để bảo đảm đường huyết của mình không quá thấp. Ăn nhẹ trước khi uống. Không uống nhiều dẫn đến say rượu. Say rượu và hạ đường huyết khó phân biệt vì thường có biểu hiện giống nhau như: Mệt, chân tay bủn rủn, đau đầu, chóng mặt… dẫn đến chủ quan không xử trí kịp thời rất nguy hiểm.
Ăn đúng giờ, không bỏ bữa
Trong những ngày Tết, giờ giấc sinh hoạt và ăn uống thường bị đảo lộn. Để đảm bảo sức khỏe, người bệnh đái tháo đường cần giữ chế độ ăn uống điều độ, đúng giờ để tránh không làm tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết lúc xa bữa ăn.
Nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa trong ngày. Nên chọn món ăn có thịt nạc, cá, chọn món hấp, luộc. Nên ăn rau trước khi ăn cơm và các thức ăn khác để giảm tốc độ hấp thụ đường.
Người bệnh cần lưu ý, không được bỏ bữa vì mệt mỏi hoặc do các lý do khác. Bỏ bữa hoặc ăn kiêng sẽ dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết cũng rất nguy hiểm. Nếu có biểu hiện của hạ đường huyết như:
Mệt, chân tay bủn rủn, da nhợt nhạt, vã mồ hôi lạnh, cảm giác cồn cào trong ruột, tim đập nhanh, run cơ, chóng mặt… cần phải uống ngay một cốc nước đường, sữa, ăn bánh kẹo, hoa quả ngọt để nhanh chóng nâng đường huyết lên.
Theo dõi đường huyết sau khi ăn
Người bệnh đái tháo đường nên tự theo dõi đường huyết bằng máy tại nhà, ghi lại và đánh giá các trị số đường huyết đo được. Tốt nhất là nên có thói quen ghi nhật ký chỉ số đường huyết, các thức ăn trong ngày vào một quyển sổ tay để tiện theo dõi.
Người bệnh đái tháo đường nên tự theo dõi đường huyết tại nhà.
Đặc biệt, khi hoạt động nhiều hoặc ăn các loại thực phẩm khác nhau không đúng theo chế độ, người bệnh nên tăng số lần kiểm tra đường huyết để chắc chắn mức đường huyết đang được giữ ở mức an toàn.
Ngay từ lúc được chẩn đoán bệnh đái tháo đường, người bệnh cần phải biết tự chăm sóc kiểm soát bệnh bằng cách:
- Tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn;
- Dùng thuốc đúng theo đúng chỉ định;
- Luyện tập thể dục thường xuyên;
- Duy trì cân nặng hợp lý;
- Tự theo dõi đường huyết, huyết áp;
- Kiểm tra, chăm sóc bàn chân hàng ngày;
- Bỏ thuốc lá;
- Không uống rượu;
- Khám mắt và xét nghiệm định kỳ… |
Theo SKĐS