“Khoảng trống miễn dịch” là giai đoạn từ khoảng 6-36 tháng tuổi (có thể sớm hơn hoặc muộn hơn), khi miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang giảm dần và hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện.
Hệ miễn dịch tốt rất quan trọng đối với trẻ. Khi mới sinh, hệ miễn dịch của trẻ rất tốt nhờ hệ thống kháng thể nhận được từ mẹ khi còn trong bào thai, đây chính là miễn dịch thụ động. Từ khi sinh ra lượng kháng thể này bắt đầu giảm, vì thế trẻ cần được bú mẹ ngay và bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng, vì lúc này sữa của mẹ tiếp tục là nguồn cung cấp các kháng thể thụ động, giúp cơ thể bé duy trì được hệ miễn dịch tốt. Qua 6 tháng, bước vào giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, lượng kháng thể từ mẹ giảm dần trong khi hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh để tự sản xuất ra kháng thể nên hệ miễn dịch của trẻ rất yếu và dễ mắc bệnh. Giai đoạn này trùng với thời điểm trẻ tiếp xúc và làm quen với môi trường mới qua ăn dặm, tập bò, tập đi, đi nhà trẻ,… dẫn đến tỷ lệ trẻ mắc bệnh trong nhóm tuổi này rất cao.
BS.Lê Thị Xuân - Khoa Dinh dưỡng, CDC Đồng Nai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ đang nuôi con nhỏ.
Do đó, để lấp đầy “khoảng trống miễn dịch” cho trẻ cần đảm bảo cho trẻ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh thông qua dinh dưỡng và chăm sóc hợp lý. Cụ thể:
Chế độ ăn cân bằng, đa dạng
Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm, bố mẹ cần đảm bảo thực đơn của trẻ đầy đủ, cân bằng 4 nhóm dưỡng chất gồm nhóm tinh bột như gạo, khoai lang,…; nhóm chất đạm như thịt, cá, trứng,…; nhóm vitamin và khoáng chất như cà rốt, củ cải, rau ngót, chuối, cam, đu đủ,… và nhóm chất béo như dầu thực vật (mè, oliu,…), mỡ động vật. Thường xuyên thay đổi thực đơn mỗi ngày để trẻ làm quen với các loại thức ăn, đồng thời kích thích sự thèm ăn của trẻ.
Đối với vitamin và khoáng chất tốt nhất là từ thức ăn, tuy nhiên không phải tất cả bé đều hấp thụ tốt và đủ lượng cần theo khuyến cáo, khi đó cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ cho trẻ sử dụng thêm các sản phẩm bổ sung có chứa vitamin A, C, kẽm, sắt,..., đặc biệt là vitamin D có hàm lượng rất thấp trong sữa mẹ.
Ngoài ra, cần tạo tâm lý thoải mái, vui thích cho trẻ khi ăn sẽ kích thích các tuyến tiêu hoá hoạt động, tăng bài tiết men tiêu hoá giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
Ngủ đủ giấc
Đối với trẻ nhỏ, giấc ngủ có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thể chất, tinh thần và trí não. Trẻ từ 6-36 tháng tuổi mỗi ngày ngủ đủ giấc (khoảng 12-14 tiếng) giúp trẻ xử lý những thông tin tiếp nhận trong ngày, đây cũng là thời điểm trẻ sản xuất hóc môn tăng trưởng có ích cho sự phát triển của xương và cơ bắp. Trẻ bị rối loạn giấc ngủ về lâu dài sẽ làm thiếu hụt dinh dưỡng, khiến trẻ chậm lớn, cáu gắt, tiếp thu kiến thức kém,…
Một giấc ngủ ngon còn hỗ trợ hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và trẻ ít ốm hơn. Vì vậy, bố mẹ nên tạo điều kiện và giúp cho con trẻ có được giấc ngủ ngon và ngủ đủ giấc mỗi ngày.
Đảm bảo môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát
Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường kém là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra các dịch, bệnh ở trẻ em cũng như người lớn như các bệnh ngoài da, bệnh đường tiêu hóa, giun sán, tay chân miệng, sốt xuất huyết,… Do đó, cần đảm bảo môi trường sống xung quanh trẻ sạch sẽ, thoáng mát để giảm thiểu tác nhân gây bệnh, bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Tiêm vắc xin đầy đủ
Vắc xin là phương pháp đặc hiệu giúp cơ thể trẻ sản sinh ra kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin (Lao,viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib (Hemophilus influenzae type B), sởi). Trẻ từ 1-5 tuổi cần được tiêm đầy đủ các mũi nhắc lại và các loại vắc xin phòng bệnh khác. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, vắc xin cần được tiêm đầy đủ, đúng lịch, đảm bảo chất lượng và đúng quy trình tiêm.
BS. Hồ Thị Hồng
CDC Đồng Nai