“Hiện tỉnh Đồng Nai đang quản lý khoảng 6.700 trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS. Thời gian qua, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã có nhiều dự án hỗ trợ công tác phòng chống HIV trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua, tổ chức này đã có văn bản gửi Sở Y tế và CDC Đồng Nai thông báo ngừng tất cả các hoạt động hỗ trợ. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian tới. Trước mắt, tạm ngưng tất cả các hoạt dự phòng và điều trị miễn phí cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, trừ cấp thuốc ARV miễn phí” - BS.CKI Vũ Thị Ngọc – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai chia sẻ.

BS.CKI Vũ Thị Ngọc – Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Đồng Nai.
1. Xin bác sĩ cho biết những hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua và vai trò của tổ chức USAID trong các hoạt động này?
BS.CKI Vũ Thị Ngọc: Là một tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp và các trường đại học cao đẳng, Đồng Nai thu hút lượng lớn công nhân lao động và sinh viên từ các tỉnh, thành khác đến học tập và làm việc. Vì vậy, thời gian qua, Đồng Nai đã triển khai tất cả các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, như: chương trình can thiệp dự phòng, chương trình điều trị ARV, điều trị Methadone, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, sau phơi nhiễm, điều trị lây truyền từ mẹ sang con và các hoạt động truyền thông can thiệp giảm tác hại khác.
Hiện nay, hiện CDC Đồng Nai đang quản lý khoảng 6.700 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, đạt 95,6% số liệu ước tính tổng số ca nhiễm toàn tỉnh. Trong đó, kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-95 như sau: 95,6% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 82% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virut (ARV); 99,1% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp (dưới 1000 bản sao/ml).
Trong những năm gần đây, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được sự hỗ trợ rất lớn từ tổ chức USAID thông qua hai dự án là USAID/PATH STEPS và USAID/EpiC. Những dự án này đã đóng vai trò quan trọng trong triển khai tất cả các hoạt động, giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.
2. Vừa qua, USAID đã có văn bản thông báo ngưng các dự án hỗ trợ, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, thưa bác sĩ?
BS.CKI Vũ Thị Ngọc: Ngày 25/1/2025 vừa qua, Sở Y tế và CDC Đồng Nai nhận được văn bản của USAID thông báo ngưng tất cả các hoạt động hỗ trợ của hai dự án USAID/PATH STEPS và USAID/EpiC. Như tôi vừa chia sẻ, hai dự án này đã hỗ trợ rất lớn cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS, từ công tác điều trị, dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị sau phơi nhiễm và các hoạt động truyền thông can thiệp khác. Vì vậy, khi hai dự án này ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Bệnh nhân HIV đang được khám và tư vấn điều trị tại Phòng khám HIV/AIDS – CDC Đồng Nai.
Cụ thể, dự án USAID/PATH STEPS đã hỗ trợ triển khai được 10 phòng khám điều trị dự phòng trước phơi nhiễm trên địa bàn tỉnh. Dự án này hỗ trợ miễn phí tất cả các dịch vụ từ công khám, xét nghiệm, thuốc cho các đối tượng có nguy cơ cao (nam quan hệ tình dục đồng giới, phụ nữ bán dâm, đối tượng nghiện chích ma túy, bạn tình dị nhiễm), góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trên các đối tượng này. Khi dự án USAID/PATH STEPS dừng hoạt động, các đối tượng nguy cơ cao sẽ phải chuyển sang các biện pháp dự phòng khác hoặc phải trả phí cho hoạt động điều trị PrEP. Như vậy, nhiều đối tượng sẽ không đủ khả năng chi trả, dẫn đến nguy cơ cơ cao họ sẽ bỏ ngang các hoạt động dự phòng và điều trị HIV, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Còn dự án USAID/EpiC hỗ trợ cho 2 phòng khám điều trị trước phơi nhiễm và 5 phòng khám điều trị ARV trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ hoạt động tìm và kết nối ca dương; tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác điều trị ARV; hỗ trợ các phần mềm tư vấn xét nghiệm HIV, phần mềm trangdieutriarv.vn… Nếu dự án này ngừng hoạt động, thì các hoạt động này hoặc sẽ bị ngưng, hoặc sẽ phải tìm nguồn kinh phí khác để tiếp tục duy trì.
3. Trước tình hình đó, CDC Đồng Nai sẽ có giải pháp gì để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, thưa bà?
BS.CKI Vũ Thị Ngọc: Khi nhận được các văn bản thông báo từ USAID, CDC cũng đã có văn bản tham mưu gửi Sở Y tế và Cục Phòng chống HIV/AIDS về vấn đề này. Vừa qua, CDC cũng đã nhận được công văn của Cục Phòng chống HIV/AIDS hướng dẫn, dừng tất cả các hoạt động miễn phí được sự hỗ trợ của USAID. Hiện các phòng khám tại Đồng Nai vẫn còn lượng thuốc điều trị ARV từ quý IV của năm tài chính 2024 được USAID hỗ trợ nên vẫn tiếp tục cấp miễn phí cho các đối tượng khách hàng nguy cơ cao, nếu các khách hàng đồng ý chi trả công khám và các xét nghiệm. Còn với những khách hàng không đồng ý thì sẽ được tư vấn lựa chọn các biện pháp dự phòng HIV an toàn khác.
Hiện tại thì chúng tôi cũng chưa biết được các dự án của USAID có tiếp tục nữa hay không. Vì vậy, thời gian tới, Khoa Phòng chống HIV/AIDS - CDC Đồng Nai cũng sẽ xây dựng kế hoạch để đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Khi đề án được thông qua thì sẽ có căn cứ và tài chính để tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động này.
Xin cảm ơn BS Vũ Thị Ngọc!
Thiên Thanh (thực hiện)