Trong những năm gần đây, tỉ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa nhất là độ tuổi vị thành niên, tăng cao ở nam giới trên địa bàn tỉnh. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các bạn trẻ còn hạn chế về kiến thức phòng chống HIV/AIDS. Vì vậy, cần phải tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi trong giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên, công nhân trong các khu công nghiệp.
Giới trẻ còn hạn chế về kiến thức phòng chống HIV/AIDS
Đồng Nai là tỉnh có nhiều xí nghiệp, nhà máy tại 32 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút số lượng lớn công nhân lao động và 21 trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề có rất đông học sinh, sinh viên đến từ các vùng miền trong cả nước đến học tập và làm việc.
Theo ước tính của Cục Phòng, chống HIV/AIDS có khoảng 6.600 người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Qua kết quả giám sát phát hiện và giám sát trọng điểm qua các năm, dịch HIV tại tỉnh Đồng Nai đang ở giai đoạn dịch tập trung, tỉ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, tăng cao ở nam giới và tập trung nhóm nguy cơ cao đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục (MSM) đồng giới. Theo báo cáo giám sát phát hiện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai (CDC Đồng Nai) từ năm 2014-2023, độ tuổi 25-34 dao động từ 30-55%, độ tuổi từ 35-39 cũng chiếm tỉ lệ cao dao động từ 25- 30%.
Ông Lê Trọng Minh – Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Dome GNet (TP. Biên Hoà) chia sẻ: khách hàng đến với nhóm có nhiều đối tượng khác nhau như học sinh, sinh viên và công nhân. Qua công tác tư vấn, có thể thấy những kiến thức cơ bản về cách phòng, chống HIV của các bạn còn nhiều hạn chế.
Một buổi truyền thông về HIV/AIDS cho các bạn học sinh sinh viên của doanh nghiệp xã hội Dome Gnet.
Hay theo BS Lê Viết Thanh – Phụ trách y tế Phòng khám Glink (TP. Biên Hoà) cho hay: Theo một khảo sát nhỏ tại phòng khám, chỉ có 20-30% khách hàng có những kiến thức về phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS.
PGS –TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng chống HIV bày tỏ: “Dịch HIV/AIDS ở Đồng Nai có xu hướng tăng lên ở nhóm những người trẻ, đây là điều đáng quan ngại và đau lòng. Nguyên nhân chính gia tăng lây nhiễm HIV trong giới trẻ là nhóm có nhu cầu giao tiếp xã hội, học tập, lao động thì nhu cầu vui chơi giải trí, kết bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình là những vấn đề quan tâm rất lớn của đối tượng này. Kiến thức, thái độ và thực hành phòng, chống HIV của giới trẻ còn hạn chế: thiếu thông tin và kiến thức đúng, đủ về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, HIV/AIDS và các biện pháp dự phòng như bao cao su, PrEP; chưa dám bộc lộ, chia sẻ tình trạng của bản thân; tự kì thị của khách hàng khi sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ thông tin, toàn cầu hóa của xã hội, tâm lý tò mò, thích khám phá, thể hiện bản thân của thanh niên, trong khi thiếu kiến thức, hiểu biết cũng là vấn đề làm gia tăng tình trạng lây nhiễm mới HIV trong nhóm này”.
Tăng cường truyền thông thay đổi hành vi cho giới trẻ
BS Nguyễn Xuân Quang – Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai (CDC Đồng Nai) cho hay, trước tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, CDC Đồng Nai luôn chủ động xây dựng các kế hoạch tuyên truyền cho học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, CDC Đồng Nai cũng hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội, các nhóm cộng đồng tuyên truyền trong học sinh, sinh viên và các công ty xí nghiệp trên địa bàn để cung cấp đúng và đủ các cách phòng tránh HIV cho nhiều đối tượng trong xã hội, nhất là các bạn trẻ.
Khoa Phòng, chống HIV/AIDS - CDC Đồng Nai tổ chức truyền thông về HIV/AIDS cho học sinh Trường Lê Quý Đôn (TP.Biên Hoà).
Trước tình trạng gia tăng ca nhiễm mới HIV ở giới trẻ, PGS.TS Phan Thị Thu Hương cũng đề nghị Đồng Nai cần tăng cường hơn nữa kiến thức phòng chống HIV/AIDS cho các bạn trẻ trong các khu công nghiệp, trường dạy nghề, trường đại học. Xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người chưa thành niên về phòng, chống HIV/AIDS và những bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo lồng ghép vào chương trình giáo dục giới tính cho người chưa thành niên đảm bảo chuẩn bị đủ kiến thức về an toàn tình dục và phòng, chống HIV/AIDS tại các Trường phổ thông trung học, Trường dạy nghề. Tập huấn kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS cho các cán bộ Đoàn trường về tình hình dịch tễ HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, các kiến thức chung về HIV/AIDS, kỹ năng truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, giới thiệu và cập nhật tình hình nhiễm trong nhóm người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV bao gồm cả nhóm nam quan hệ tình dục với nam. Tổ chức truyền thông trực tiếp thông qua trò chuyện với nội dung gần gũi, dễ hiểu, các tiết ngoại khóa, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, cuộc thi viết tìm hiểu về HIV/AIDS.
Tổ chức truyền thông gián tiếp qua các tranh ảnh, tờ rơi, phối hợp với nhà trường xây dựng tiết mục kịch có nội dung tư vấn về sức khỏe sinh sản và phòng, chống HIV/AIDS. Lợi ích và hiệu quả của các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, bao gồm thực hiện hành vi tình dục an toàn (sử dụng bao cao su), điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP). Đẩy mạnh truyền thông phòng chống HIV/AIDS qua Công nghệ thông tin, qua các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…
Mai Liên