Nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là ở công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, thời gian qua Đồng Nai đã triển khai các hoạt động liên quan, các dịch vụ phòng chống HIV cho công nhân. Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng chống HIV/AIDS cho đối tượng công nhân vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.
Khó khăn trong triển khai hoạt động phòng chống HIV cho công nhân, người lao động
Đồng Nai là tỉnh nằm ở miền Đông Nam bộ, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Toàn tỉnh có 32 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút số lượng lớn công nhân lao động; có 21 trường Đại học, Cao đẳng, trường nghề thu hút rất đông học sinh, sinh viên đến từ các vùng miền trong cả nước đến học tập và làm việc.
Theo báo cáo kết quả giám sát phát hiện và giám sát trọng điểm của CDC Đồng Nai qua các năm, dịch HIV tại Đồng Nai đang ở giai đoạn dịch tập trung. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tỉ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hoá, tăng cao ở nam giới và tập trung ở nhóm nguy cơ cao với 3 quần thể lây nhiễm chính là Tiêm chích ma tuý chiếm 27%; Nhóm phụ nữ bán dâm chiếm 21%, đặc biệt cao ở nhóm Nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 51%.
Những số liệu nêu trên cho thấy dịch HIV/AIDS tại Đồng Nai vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, xu hướng lan rộng vào cộng đồng dân cư thông qua con đường tình dục không an toàn và tiếp tục gây tác động tiêu cực đối với xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ lao động trẻ.
Doanh nghiệp xã hội Hưng Vũ truyền thông về phòng chống HIV/AIDS cho công nhân tại xã Long Đức (H. Long Thành).
Là đơn vị triển khai truyền thông HIV/AIDS trong công nhân thông qua mô hình SafeZone do Trung tâm nâng cao chất lượng cuộc sống LIFE (Trung tâm LIFE) hỗ trợ, anh Trần Hưng – Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Hưng Vũ (H. Nhơn Trạch) chia sẻ: Nhiều bạn trẻ là công nhân đã đến với doanh nghiệp để được hỗ trợ về xét nghiệm, điều trị trước phơi nhiễm bằng PrEP, hoặc là kết nối điều trị ARV khi bị nhiễm. Qua đó có thể thấy nhu cầu các dịch vụ về HIV cho công nhân tương đối cao. Tuy nhiên, khi thực hiện mô hình Safe Zone gặp nhiều khó khăn như vẫn chưa được chấp nhận vào các nhà máy, xí nghiệp để thực hiện; giờ giấc hoạt động của công nhân không cố định hay xoay ca nên lượng công nhân tiếp cận tại một địa điểm là không hết, nên phải làm nhiều cuộc và làm ngoài nhà máy. Nhiều công nhân sau khi tan ca làm thì mệt mỏi, phải làm việc nhà...không có thời gian tham gia truyền thông.
BS.CKI Nguyễn Xuân Quang – Trưởng khoa Phòng chống HIV/AIDS - CDC Đồng Nai cho hay: Để chuẩn bị cho việc mở rộng các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong công nhân, năm 2022 Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị với chủ đề Thúc đẩy dự phòng HIV/AIDS trong khu công nghiệp, nhà máy vận động tạo dựng không gian an toàn cho công nhân lao động. Tuy nhiên, để triển khai các hoạt động thực tế thì vẫn đang gặp khó khăn. Lý do là sau đại dịch COVID-19, lượng khách hàng của các công ty giảm sút, việc làm ít, nên doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với các hoạt động này. Đây là khó khăn chung cho các doanh nghiệp xã hội muốn triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho công nhân.
Cần có sự phối hợp đẩy mạnh truyền thông nâng cao kiến thức cho công nhân, người lao động
Hiện nay, Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện đa dạng các loại hình về chương trình phòng chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng các hoạt động truyền thông can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, xét nghiệm lưu động, xét nghiệm tại các cơ sở y tế tư nhân và tại cộng đồng thông qua các tổ chức CBOs bằng việc ứng dụng các kỹ thuật, sinh phẩm xét nghiệm mới nhằm xác định những người có hành vi nguy cơ cao để triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp phòng lây nhiễm HIV.
Nhiều công nhân được tư vấn về các dịch vụ HIV tại buổi truyền thông.
“Nội dung truyền thông cho công nhân mà Trung tâm LIFE hướng dẫn cho các doanh nghiệp rất gần gũi thiết thực, bao gồm các thông điệp, kiến thức, kỹ năng liên quan đến chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn và phòng tránh HIV/AIDS, được thực hiện theo phương pháp chủ động, sáng tạo và có tính tương tác cao thông qua trò chơi, hội thi, sự kiện và bài đăng trên đa dạng các kênh trực tuyến và trực tiếp. Thông qua các buổi truyền thông, các doanh nghiệp xã hội cũng giới thiệu các dịch vụ về HIV đến cho công nhân” - bà Nguyễn Nguyên Như Trang, Giám đốc Trung tâm LIFE chia sẻ.
Anh N.T.A. (30 tuổi) làm công nhân tại một nhà máy ở xã Long Đức (H. Long Thành) cho biết, bản thân anh đã nghe nhiều về HIV/AIDS, tác hại của bệnh, tuy nhiên khi trực tiếp tiếp nhận thông tin từ các chuyên gia, các bác sĩ, anh nhận ra nhiều điều mới mẻ hơn về HIV, nhất là những dịch vụ về xét nghiệm tại cộng đồng, điều trị trước phơi nhiễm PrEP tại các cơ sở tư nhân tạo điều kiện để những ai có nhu cầu có thể tìm đến sau giờ làm việc.
Cũng theo anh Trần Hưng: “Việc tuyên truyền tại nơi làm việc về HIV cho công nhân rất quan trọng để họ có kiến thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người thân. Đa phần các công nhân tại các nhà máy đều là dân nhập cư và thời gian công việc tại các nhà máy nhiều nên việc tiếp cận các kiến thức về HIV cũng như dự phòng còn hạn hẹp, thiếu kiến thức dẫn tới nguồn lây phức tạp khó kiểm soát. Để ngăn ngừa gia tăng số người nhiễm HIV trong cộng đồng, nhất là ở nhóm đối tượng công nhân khu công nghiệp, các CBOs rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức công đoàn, liên đoàn lao động cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp đẩy mạnh hoạt động truyền thông trong các xóm trọ, khu dân cư và tại nơi làm việc”.
Mai Liên