Đồng Nai đang được đánh giá là một trong những địa phương có các mô hình hoạt động cộng đồng đa dạng, phong phú, những hoạt động này đã đưa lại nhiều kết quả cao trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại địa phương. Một trong những thành công của chương trình phòng chống HIV/AIDS tại Đồng Nai, cụ thể là giúp kiểm soát dịch HIV/AIDS một cách hiệu quả đó là sự chung tay của các doanh nghiệp xã hội hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp xã hội (DNXH) đang hoạt động trong chương trình phòng chống HIV/AIDS.
Những cánh tay nối dài
Anh Nguyễn Minh Thuận, Giám đốc DNXH Thuận Trường (Tp.Biên Hòa) chia sẻ, anh bén duyên với các chương trình phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2009, từ một cậu bé thuộc cộng đồng LGBT (là những đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển giới, lưỡng tính), anh may mắn được tham gia 1 buổi truyền thông kiến thức về HIV/AIDS. “Qua đó, tôi hiểu rằng những kiến thức dự phòng HIV của mình hoàn toàn thiếu, mà không chỉ tôi mà còn nhiều người anh/em “giới mình” chưa thực sự hiểu rõ về HIV. Tôi muốn chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng của mình về HIV, về dự phòng lây nhiễm HIV. Và cơ duyên cũng đến, sau 1 tháng tôi đã được nhận vào làm Tiếp cận viên cho chương trình”,- anh Thuận nói.
Một buổi truyền thông của DNXH Đình Ân tại TP Long Khánh.
Trong quá trình làm việc, anh không hề đơn độc, mà có rất nhiều cơ hội gặp gỡ, kết nối, hợp tác với nhiều tổ chức cộng đồng, nhiều DNXH. Họ là những người đồng hành, là đồng nghiệp tận tụy luôn “cháy” hết mình cho các hoạt động “Vì cộng đồng” và nhiều đối tác từ các cơ sở y tế công lập, các tổ chức, nhà tài trợ đồng hành trong thời gian qua.
Tham gia các hoạt động muộn hơn so với các DNXH khác, DNXH Đình Ân (Tp.Long Khánh) do anh Nguyễn Thanh Hòa làm giám đốc, cũng bắt nguồn từ những sự đồng cảm của những bạn MSM, người nghiện chích ma túy..., dù là nhóm đối tượng nào thì anh cũng có những người đồng hành rất nhiệt tình trong công tác.
“Một trong những yếu tố then chốt giúp các mạng lưới tổ chức cộng đồng phát huy hiệu quả là sự hợp tác chặt chẽ giữa các thành viên. Việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, và nguồn lực đã góp phần nâng cao năng lực tổng thể của toàn hệ thống. Nhờ sự hợp tác này, các thành viên của nhóm đã nâng cao năng lực tư vấn xét nghiệm, chăm sóc hỗ trợ lẫn nhau và giám sát dịch mở rộng với những người có nguy cơ cao tại địa bàn của mình… Qua đó, góp phần quan trọng vào thành công của chương trình phòng chống HIV/AIDS”,- anh Hòa chia sẻ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh phát hiện mới 236 trường hợp (trong đó có 95 trường hợp có địa chỉ thường trú trong tỉnh), giảm 87 ca so với cùng kỳ năm 2023. “Hầu hết các ca phát hiện mới đều được kết nối điều trị, và có thể nói hơn 85% những ca này đều được các DNXH trên địa bàn tỉnh phát hiện, kết nối để CDC Đồng Nai nhập liệu và quản lý. Họ là những “cánh tay nối dài” của nhân viên y tế, nhờ đó mà nhiều người nhiễm mới được đưa đến cơ sở y tế để tiếp cận xét nghiệm HIV và điều trị”, - BS Nguyễn Xuân Quang, Trưởng khoa Phòng, chống HIV/AIDS - CDC Đồng Nai cho hay.
Phó giám đốc Sở Y tế BS.CKII Nguyễn Văn Bình đánh giá rất cao những đóng góp của các DNXH hoạt động trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. “Từ lối sống Gen Z, Gen Y, tâm lý chủ quan HIV đã có thuốc điều trị hay sau mỗi mùa thi, Đồng Nai lại là nơi thu hút một lực lượng lao động trẻ, lao động thời vụ từ các tỉnh, đây cũng là một trong những điều kiện ảnh hưởng đến tình hình nhiễm HIV/AIDS. Nếu không có những thành viên, những DNXH thì việc tiếp cận với các đối tượng nguy cơ là thách thức lớn. Vì vậy mạng lưới DNXH đóng vai trò rất lớn trong kiểm soát dịch HIV tại Đồng Nai” - BS. Bình cho hay.
Mong chính sách mới hỗ trợ tài chính bền vững cho các DNXH
Việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động từ những DNXH đã góp phần thúc đẩy phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường hiệu quả của các hoạt động chăm sóc, điều trị, tư vấn, truyền thông trong cộng đồng, trở thành cầu nối hoạt động thực tiễn trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Các DNXH cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm hại, như: Truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển gửi khách hàng tiếp cận dịch vụ thích hợp…Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá nhằm hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Đặc biệt, nhiều tổ chức cộng đồng lớn mạnh đã thành lập DNXH và có tư cách pháp nhân. Các phòng khám tư nhân do các DNXH lập ra có ưu thế vượt trội, kết nối và trợ giúp được rất nhiều khách hàng e ngại dịch vụ y tế công.
DNXH Thuận Trường tổ chức truyền thông tại Trường cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai.
“Tuy nhiên, nói đến HIV/AIDS vẫn còn sự kỳ thị phân biệt đối xử rất nặng nề của xã hội, tôi mong muốn các chính sách sẽ tập trung vào việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống với HIV, người LGBT, người bán dâm, ngưởi sử dụng chất ma túy,…. thông qua các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức rộng rãi trong cộng đồng”,- anh Hòa chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Minh Thuận lại cho rằng: “Tôi kỳ vọng rằng các chính sách mới sẽ tập trung vào việc hỗ trợ tài chính bền vững cho các DNXH và tổ chức cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực HIV/AIDS. Điều này bao gồm việc thiết lập các cơ chế tài trợ linh hoạt, dễ tiếp cận và bền vững, giúp các tổ chức này có thể tiếp tục hoạt động duy trì bền vững. Ngoài ra, tôi mong rằng các chính sách sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa các tổ chức cộng đồng, DNXH và các cơ quan nhà nước. Sự hợp tác này sẽ giúp tối ưu hóa các nguồn lực và đảm bảo rằng mọi nỗ lực đều được phối hợp chặt chẽ và hiệu quả.
Mai Liên