Đối với những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, việc gián đoạn điều trị ARV trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đến sức khỏe và khả năng lây truyền HIV cho cộng đồng. Để đảm bảo việc điều trị cho bệnh nhân, trong thời gian qua Khoa phòng chống HIV/AIDS - CDC Đồng Nai đã có nhiều biện pháp cấp thuốc cho người bệnh để họ được điều trị liên tục, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ bệnh nhân
Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS thuộc Khoa phòng chống HIV/AIDS - CDC Đồng Nai (có trụ sở ở KP3, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nằm trong khu vực thiết lập cách ly y tế (từ ngày 16-7-2021) để phòng chống dịch COVID-19. Phòng khám đang điều trị ngoại trú ARV cho gần 2 ngàn bệnh nhân HIV trong và ngoài tỉnh và gần 140 người sử dụng ma túy điều trị Methadone. Trong đó, có rất nhiều bệnh nhân ngụ rải rác ở các huyện, các địa phương lân cận như Bình Dương đang bị phong tỏa bởi dịch COVID-19 đã không đến nhận thuốc. Để đảm bảo cho người bệnh được điều trị liên tục, lãnh đạo khoa đã triển khai nhiều giải pháp để bệnh nhân được tiếp cận nguồn thuốc.
BS Nguyễn Xuân Quang, Khoa phòng chống HIV/AIDS CDC Đồng Nai cho hay, hơn một tháng nay nhiều bệnh nhân đang điều trị ARV đã không thể đến nhận thuốc do nằm trong khu phong tỏa của các huyện, do đó phòng khám đã cử nhân viên xác định địa chỉ, số điện thoại của bệnh nhân trong hồ sơ bệnh án để gửi thuốc về theo đường bưu điện cho họ. Còn một số bệnh nhân điều trị ARV thông qua mạng lưới đồng đẳng viên, phòng khám cũng đã cho nhận thuốc thay để gửi về cho bệnh nhân.
Trước đây, theo hướng dẫn của Cục phòng chống HIV/AIDS, phòng khám cũng đã triển khai việc cấp thuốc 3 tháng/1 lần cho bệnh nhân sau khi họ đi vào điều trị ổn định. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm giảm nguồn cung cấp thuốc ARV.
“Hiện tại, nguồn thuốc tạm ổn, phòng khám kê cho bệnh nhận được nhận thuốc nhiều hơn, có thể là 2 tháng đối với những bệnh nhân điều trị lâu dài”, BS Quang nói.
Anh Mai Như Sơn, Trưởng nhóm Xuân Hợp cũng cho biết: “Được sự hỗ trợ của các phòng khám điều trị cho bệnh nhân ARV, nhóm đã cử thành viên nhận thuốc tại các cơ sở rồi giao cho bệnh nhân tại các chốt, hoặc gửi theo đường bưu điện. Hiện nay nhóm đang hỗ trợ nhận thuốc cho 45 bệnh nhân trên toàn tỉnh”.
Nhân viên phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS trực tại chốt kiểm soát khu phong tỏa để chuyển thuốc cho bệnh nhân.
Đối với bệnh nhân đang điều trị Methadone tại phòng khám chuyên khoa HIV, phòng khám cũng đã linh động luân chuyển bệnh về Cơ sở điều trị Số 2 (Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa) để bệnh nhân được điều trị liên tục. Khoa cũng cử cán bộ y tế hỗ trợ bệnh nhân tại nơi uống mới. Riêng những bệnh nhân ở khu phong tỏa như Phước Tân, Hố Nai, phòng khám lập danh sách, hàm lượng thuốc gửi về Trạm y tế 7 ngày/1 lần nơi bệnh nhân đang sống. Qua đó, giúp bệnh nhân được uống thuốc đầy đủ.
“Gián đoạn điều trị làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỷ lệ tuân thủ điều trị. Khi tuân thủ điều trị, tải lượng vi rút HIV của một người giảm xuống mức không thể phát hiện được, giữ cho người đó khỏe mạnh và ngăn ngừa việc lây truyền vi rút về sau. Khi một người không thể điều trị thường xuyên, tải lượng vi rút sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến sức khỏe của người đó, cuối cùng có thể dẫn đến tử vong. Ngay cả những gián đoạn điều trị ngắn hạn cũng có thể tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe và khả năng lây truyền HIV của một người” - BS Nguyễn Văn Quyết, Khoa phòng chống HIV/AIDS khuyến cáo.
Đảm bảo cho bệnh nhân không bị ngắt quãng điều trị
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại công điện số 97/CĐ-BYT ngày 29/01/2021, để bảo đảm người nhiễm HIV không bị gián đoạn điều trị thuốc ARV trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có những hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh thành trong cả nước.
Theo đó, Cục Phòng chống HIV/AIDS đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS và các đơn vị có liên quan lập kế hoạch xác định các phương án khả thi nhằm duy trì việc khám và cấp thuốc ARV cho người bệnh HIV/AIDS, người điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) trong trường hợp có một hoặc nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS, cơ sở điều trị PrEP bị cách ly.
Đồng đẳng viên chuyển thuốc cho bệnh nhân tại chốt kiểm soát khu phong tỏa.
Đối với tỉnh/thành phố có nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS, PrEP, nếu một hoặc một số cơ sở điều trị bị cách ly thì nhân viên y tế tại cơ sở điều trị bị cách ly thông báo nhanh nhất cho người bệnh HIV/AIDS, người điều trị PrEP đang điều trị về việc không tiếp nhận điều trị, đồng thời tư vấn, hướng dẫn người bệnh về điều trị tiếp tục tại cơ sở điều trị HIV/AIDS, PrEP phù hợp theo kế hoạch đã lập để giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho người bệnh HIV/AIDS.
Đối với tỉnh/thành phố chỉ có một cơ sở điều trị HIV/AIDS, PrEP mà bị cách ly thì Sở Y tế quyết định cơ sở y tế thay thế trong địa bàn tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm khám cấp thuốc ARV cho người nhiễm HIV.
Trong cả hai trường hợp trên, ưu tiên khả năng cấp phát thuốc ARV tại một số Trạm Y tế xã/phường phù hợp với bệnh nhân nhưng cần được đồng thuận của người bệnh và giữ bí mật danh tính cho người bệnh.
Trong trường hợp người bệnh đang điều trị thuốc ARV, người điều trị dự phòng PrEP bị cách ly thì cơ sở y tế đang theo dõi người bệnh chịu trách nhiệm cấp phát thuốc ARV cho người bệnh thông qua một cán bộ y tế được phân công hỗ trợ cho cơ sở cách ly.
Cơ quan đầu mối phòng, chống HIV/AIDS có trách nhiệm điều tiết thuốc ARV giữa các cơ sở y tế trong tỉnh bao gồm cả các cơ sở chưa phải cơ sở điều trị nhưng được Sở Y tế giao nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp.
Trường hợp người bệnh được chuyển đến khám và cấp thuốc tại tỉnh khác cũng như trên địa bàn tỉnh nào có cơ sở điều trị bị cách ly đề nghị khẩn cấp báo cáo về Cục Phòng, chống HIV/AIDS để hỗ trợ, điều phối.
Ngày 18-7, CDC Đồng Nai có thông báo về khám và phát thuốc đối với các bệnh nhân HIV/AIDS. Theo đó, Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) tại KP3, Phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa nằm trong khu vực đang phong tỏa, không tổ chức khám chữa bệnh và cấp thuốc cho các bệnh nhân HIV/AIDS tại phòng khám. Để duy trì khám và phát thuốc phục vụ cho bệnh nhân HIV/AIDS nội tỉnh (không nằm trong vùng phong tỏa, cách ly), kể từ ngày 19/7/2021 bệnh nhân thực hiện như hướng dẫn theo thông báo của CDC Đồng Nai. |
Mai Liên